Isabelle Huppert
Khi nói
chuyện về diễn viên, người ta thường sử dụng những cái tên liên quan: những
đạo diễn hay hợp tác, tên những bộ phim nổi bật… Nhưng với những
người yêu quý Isabelle Huppert, họ hoàn toàn có thể nhớ về bà với
những con số rất ấn tượng: 22 bộ phim được chọn tranh Cành Cọ Vàng
ở Liên hoan phim Cannes, trong đó có 2 lần bà giành giải Nữ Diễn viên
Xuất sắc nhất, 1 lần làm thành viên và 1 lần làm chủ tịch ban giám
khảo, 2 lần giành giải tương đương ở Liên hoan phim Venice và thêm 2 lần
nữa ở giải Phim Châu Âu. . . Sở hữu ngoại hình khiêm tốn (cao vừa vặn
1m60), Isabelle Huppert vẫn liên tục khiến người ta kinh ngạc về những
điều bà có thể làm và đạt được.
Hiển nhiên,
nói chuyện với một diễn viên có “thành tích” như Isabelle Huppert cũng
sẽ không như khi bắt chuyện với những diễn viên khác. Thế nhưng nhìn
vào hồ sơ lưu truyền kinh nghiệm giữa các nhà báo với nhau, mới thấy
phỏng vấn Isabelle Huppert đáng sợ thế nào. Francois Weyergans, tiểu
thuyết gia và đạo diễn nổi tiếng người Bỉ, đã tận tâm phỏng vấn
Huppert để hoàn thành một bài báo dài cho tờ Paris Match năm 2004.
Trước khi bài báo ra mắt, khi được hỏi về tiến độ, Weyergans chỉ trả
lời với một khuôn mặt vừa phấn khích vừa đau khổ tột cùng. Với
người được mệnh danh là Woody Allen của Bỉ là như thế, còn đọc kinh
nghiệm của các nhà báo khác, ta dễ tưởng đây là những điều chỉ
xuất hiện trong phim hài tình huống của Mỹ. “Để nguôi nỗi sợ, tôi
sắp xếp lại mọi bàn ghế trong phòng trước khi bà đến”, một nhà báo
kỳ cựu người Anh viết. “Tôi đoán rồi sẽ có chuyện – có chuyện
thật”, tờ Financial Times viết. Một chương trình radio nào đó đã được
“tưởng thưởng” 20 phút yên lặng của Isabelle Huppert sau một câu hỏi,
khiến thính giả ngơ ngác không biết bà đã rời phòng thu hay làm sao!
Tờ Independent không ngại ghi luôn cả cảm giác xấu hổ của cây bút vào
bài phỏng vấn: “Tôi tự nhận ra: hỏi Isabelle Huppert có thể tiến hành
phỏng vấn ở nhà bà cũng không khác gì hỏi lên sao Mộc uống cà phê
được không.” Thái độ bảo vệ đời tư của nữ diễn viên dễ miêu tả nhất
bằng lời khuyên bà “tặng” cho một phóng viên xấu số nào đó: “Anh/cô
sẽ có một ngày tốt lành nếu biết cách giữ khoảng cách với người
khác.” Không phải tự nhiên mà bộ phim yêu thích của bà là The
Invisible Man (Người Vô Hình), bộ phim năm 1933 với tài tử Claude Rains
đóng nhân vật chính.
Có phải
vì những vai có tính hiện diện lấn át và những nhân vật đầy dấu
ấn như trong My Mother, Merci Pour Le Chocolat hay The Piano Teacher (bộ phim
được nhiều người xem phim biết đến nhất của bà) mà tính cách ngoài
đời của Isabelle Huppert cũng bí mật như thể bà đang che giấu một
cuộc sống đen tối vậy? “Không. Những người nói thế là chả biết
tưởng tượng gì cả,” nữ diễn viên gạt đi. “Nhiều người có niềm tin
trẻ con là diễn viên phải như bông hồng. Không phải vì những nhân vật có
tính cách đe dọa của tôi mà tôi cũng phải như thế. Thực ra tôi rất
ng…” Bà ngừng lại. “Tôi cũng khá tử tế.” Khi được hỏi bà đã giết ai
bao giờ chưa, thì Isabelle Huppert trả lời: “Chỉ bằng một nhát thì
không. Ngày qua ngày thì có thể.” Dù giấu mình với thế giới, khi
chọn cách xuất hiện, Isabelle Huppert vẫn làm người ta bối rối pha thích
thú với mỗi câu trả lời bà mang lại.
Thậm chí, bà
làm thế không chỉ với lời nói mà còn cả hành động nữa. Khi đoạn
hậu trường gây xôn xao của phim I Heart Huckabees được tung lên, hình ảnh
Isabelle Huppert bình tĩnh chỉnh son phấn trong khi nữ diễn viên Lily
Tomlin quát tháo đạo diễn David O. Russell đã tô rõ sự nổi bật trong xa
cách của Isabelle Huppert. Nếu theo lời bà, một quyển sách hay bộ phim
hay nhất là khi có cả khoảng cách và thân mật cảm xúc, thì Isabelle
Huppert hẳn là một tuyệt tác làm ví dụ để người ta đọc, xem và suy
tư về.
Trên màn
ảnh, Isabelle Huppert cũng là bậc thầy của việc làm dấy lên hai thái
cực đối lập trong sự yên lặng, và tình cờ thay mọi phim bà tham gia
đều có những cú hình cận mặt diễn viên như đẩy cao điều này. Năm
1977 bà ghi dấu ấn với gương mặt trẻ pha chút buồn trong The Lacemaker,
nhưng một năm sau trong Violette Nozière, vẫn với thân hình mảnh mai,
mái tóc đỏ rực, khuôn mặt bụ bẫm trẻ con, Isabelle Huppert biến vẻ
ngây thơ trong sáng thành vẻ sắt đá, lạnh lùng và đôi chút bệnh hoạn
trong những diễn biến pha trộn tình dục với giết người. Khả năng pha
trộn tính dục mãnh liệt và vô cảm lạnh lẽo có thể gợi nhớ tới
một nữ diễn viên kỳ cựu của Pháp khác là Catherine Deneuve (trong bộ
phim nổi tiếng Belle de Jour), nhưng trong khi Deneuve mang lại sự đối
lập rõ rệt, thì Huppert mang lại một dòng chảy lặng lẽ như cán cân
bấp bênh trong tính cách con người, lúc theo chiều này lúc ngả chiều
khác. Sự biểu lộ tài tình đằng sau khuôn mặt luôn bị coi là “nhạt”
của bà lại đem lại sự nguyên gốc không thể thay thế cho mỗi vai diễn
của Isabelle Huppert. Trong khi những Juliette Binoche hay Isabelle Adjani
thành gương mặt đại diện cho Pháp trên màn ảnh, thì với những vai
diễn như trong A Comedy of Power hay Gabriel – phản ánh sự trọng nam và
tính dục trong xã hội, Isabelle Huppert tạo ra sức nặng cho điện ảnh
nước này. Bà làm người ta quên đi vẻ nhỏ bé của mình khi chạm sâu
vào bản chất con người trong mỗi hành động, khiến người xem trăn trở
tới mức ám ảnh.
Khi đạo
diễn John Waters đưa ra nhận định nữ diễn viên luôn “vào vai những phụ
nữ xấu xa” Huppert đã phản đối: “Không, tôi đóng vai phụ nữ trong
những tình huống xấu xa”. Điểm chung duy nhất của các vai diễn của
bà là họ là phụ nữ. Và có thể là họ rất hay chết ở cuối phim,
một tờ báo nhắc bà thêm. Nhưng dù có dập khuôn các vai diễn của bà
như thế, chắc chắn người ta sẽ luôn thấy Isabelle Huppert lột bỏ vai
diễn trước như phượng hoàng rũ mình khỏi đống tro tàn, tiếp tuc đem
lại những định nghĩa mới về vẻ đẹp và con người trong điện ảnh.