The Assassin (Hầu Hiếu Hiền, 2015)



Danh sách những phim tranh giải của Liên hoan phim Cannes năm nay đã tạo ấn tượng khi cho ba ông lớn châu Á vào danh sách tranh Cọ Vàng. Giả Chương Kha, Hirokazu Koreeda và Hầu Hiếu Hiền đều sẽ đem tác phẩm của họ trình làng thành phố biển nước Pháp vào tháng 5 này. 

Trong khi khán giả vẫn nhớ Giả Chương Kha và Hirokazu Koreeda cùng những giải thưởng họ có được từ Cannes năm ngoái, thì đối với Hầu Hiếu Hiền, đây là lần trở lại đầu tiên của ông sau The Flight of Red Balloon năm 2007. Tác phẩm Nhiếp Ẩn Nương cũng đánh dấu sự trở lại của vị đạo diễn với điện ảnh Hoa ngữ, bỏ ngỏ 10 năm nay từ Three Times cũng ra mắt tại Cannes. Bộ phim đã được đạo diễn Hầu ấp ủ từ lâu, bắt đầu quay một số cảnh nhỏ Nhật Bản năm 2010, rồi khởi quay ở Đài Loan, đại lục và Nhật Bản năm 2012, nhưng dùng dằng mãi tới tháng 1 năm 2014 mới đóng máy, tổng thời gian quay phim là 15 tháng với nhiều quãng nghỉ do vấn đề tài chính. 
 
Nhiếp Ẩn Nương xoay quanh câu chuyện của một cô gái (Thư Kỳ) được đào tạo thành sát thủ, làm việc cho nhà Đường nhưng một ngày được giao nhiệm vụ hạ sát nhân tình của mình. Nội dung của phim đơn giản nhưng chính vì thế lại dấy lên câu hỏi đạo diễn Đài Loan sẽ sắp đặt tác phẩm của mình ra sao. 

Trong “trào lưu” làm phim võ thuật của các vị đạo diễn Hoa ngữ như Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ, cái tên Hầu Hiếu Hiền nổi lên đầy lạ lẫm, không chỉ vì ông cũng thuộc trường phái phim chính kịch như hai cái tên kia, mà bởi phong cách tự sự mộc mạc đến khắc khổ của Hầu Hiếu Hiền khiến sự thái quá của dòng phim võ thuật như “lệch pha” hoàn toàn với ông. Hơn nữa, câu chuyện của Nhiếp Ẩn Nương xuất thân như một truyện cổ dân gian, mang nhiều tính giả tưởng, lại càng xa rời đời sống thường ngày mà đạo diễn này hay hướng tới. Thực tế, Hầu Hiếu Hiền cũng thú nhật ông chưa bao giờ làm dòng phim này dù thích thú vì. . . “nhát”. “Sở trường của tôi là phim tâm lý xã hội nên việc nhảy sang làm phim võ hiệp thật sự là một thử thách,” ông nói. “Khi quyết định chọn đề tài này, có nghĩa tôi đã chấp nhận đánh cược với nghề nghiệp của mình.”

Khi nói đến dòng phim kiếm hiệp/wuxia, nhân vật nổi lên đầu tiên là Hồ Kim Thuyên, hay còn được biết với tên tiếng Anh là King Hu. Xứng với cái tên của mình, King Hu vực lại dòng phim wuxia ở thập kỷ 60, 70, và có sự nghiệp rạng rỡ nhất ở Đài Loan. Không chỉ có sự độc đáo trong bối cảnh và trang phục trong phim, King Hu còn cực nổi tiếng với phong cách biên tập “điên loạn” của ông, với nhiều cảnh phim chỉ dài một phần giây. Điều này đối lập hoàn toàn với Hầu Hiếu Hiền và những thước phim tĩnh của ông: cực ít đổi cảnh, một cảnh dài trung bình hơn một phút, gần ba phút với mỗi cảnh trong Flowers of Shanghai. Khi được hỏi liệu ông có từ bỏ phong cách này khi đến với Nhiếp Ẩn Nương, Hầu Hiếu Hiền trả lời rất chung chung: “Tôi không biết, phải đến trường quay thì mới biết rõ.”

Vị đạo diễn luôn tỏ rõ sự cẩn thận trong việc sắp cảnh của ông: chỉ cần một buổi ở trường quay của Nhiếp Ảnh Nương là có thể thấy sự tỉ mỉ này không hề di rời sau bao năm. Không chiếc máy quay nào có mặt trên trường quay hôm đó, và đoàn phim mất gần như nguyên ngày chỉ để thử xem sẽ quay nội cảnh ra sao và thử mọi góc máy khác nhau. Từ lần thảo luận đầu đến khi quyết định quay ngày hôm sau, vị trí đặt máy quay đã thay đổi tới chóng mặt. Việc tỉ mỉ cũng ảnh hưởng không ít tới vấn đề tài chính của phim (!) Với kinh phí lên tới 14,15 triệu USD, bộ phim đắt tiền nhất của Hầu tính tới thời điểm này, mọi sự chi li được đổ vào dự án để tạo một bối cảnh nhà Đường chân thật. Bởi rất khó để tìm được cấu trúc đời Đường còn nguyên vẹn đến thời nay, đoàn phim đã dựng hoàn toàn hai cấu trúc kích thước thật, chưa kể những sàn gỗ cứng, vách ngăn mắt lưới làm từ đá đen được xây cho hai tòa nhà này. . . Từ những vật dụng nhỏ nhất như hoa cũng đều là thật, và theo lời nhà báo được có mặt ở đó, là “đẹp nín thở”. Thời Đường là đỉnh cao văn minh của Trung Hoa, và từ những hình ảnh này có thể hy vọng những tinh hoa ấy sẽ được phô bày đầy ấn tượng trong phim. 

Vật dụng quan trọng nhất trên trường quay của bối cảnh trong nhà là dolly, hay đúng hơn là sự vắng mặt của nó ở đây. Trong một số cảnh quay Hầu Hiếu Hiền hoàn toàn không dùng dolly cho những chuyển động, mà chỉ đặt máy quay lên tripod. Điều này khẳng định ông sẽ vẫn giữ khung hình tĩnh của mình, hạn chế di chuyển máy quay, chỉ cho phép vài cú nghiêng hay lia máy. Nếu những sắp xếp này tiếp tục trong cách cảnh quay hành động, có thể dự đoán những màn võ thuật sẽ khá thực tế, mang ít tính “bay nhảy” hơn các phim thông thường cùng thể loại. “Đã không làm thì thôi, một khi đã làm phải cho ra trò, Nhiếp Ẩn Nương phải thật sự là một bộ phim võ hiệp", Hầu Hiếu Hiền khẳng định. Hình ảnh được chụp lại trên trường quay khi nữ diễn viên Thư Kỳ xoa ngón tay bị thương trước khi quay một cảnh hành động dường như đi đồng với lời nói của vị đạo diễn. 

Những năm 80, các bộ phim của Hầu Hiếu Hiền luôn nhận được giải thưởng nước ngoài trước khi quay về Đài Loan và thu về không ít lợi nhuận cũng như lời khen từ quê nhà. Quan trọng hơn, những tuyến truyện đơn giản nhưng cảm xúc của ông về đời sống Đài Loan đã “kéo” hình ảnh, giọng nói và hiểu biết của thế giới về hòn đảo này đi lên và khẳng định một sự độc lập trong phát triển văn hóa của nó. Những liên hoan phim như Berlin đã để riêng tên Đài Loan cho những phim tranh giải sau này, chứ không ghép chung với Trung Quốc nữa. Chính Hầu Hiếu Hiền cũng tự chọn những chủ đề về Đài Loan, qua những khung hình mộc mạc của ông để trình chiếu như một cách tìm tiếng nói cũng như danh tính riêng cho vùng đất mình sống.

Nhưng với Nhiếp Ẩn Nương, không những chạm vào lịch sử và một câu chuyện nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại, bộ phim cũng đánh dấu lần đầu tiên Hầu Hiếu Hiền nhận tài trợ từ đại lục trong phim của mình. Ông từng tâm sự: “Về mặt văn hóa, tôi hẳn là người Trung Quốc (bố mẹ Hầu Hiếu Hiền đều thuộc nhóm người di cư từ đại lục qua Đài Loan), . . .” Bộ phim này như là cách ông kết nối với gốc gác văn hóa của mình sau những năm quấn quanh mình những khung cảnh, kỷ niệm Đài Loan thân thuộc. Chỉ có một chút khó khăn, khi với tư cách là một “người quen” của nhiều liên hoan phim quốc tế, tên của Hầu Hiếu Hiền giờ mang tính chất xuyên quốc gia hơn chứ không chỉ đơn thuần đại diện cho nền điện ảnh Hoa ngữ/Đài Loan vẫn đang phát triển nhiều hướng. Tuy nhiên, khi không phải cố gắng tạo ra danh tính trong mỗi tác phẩm của mình, ông giờ có thể thoải mái theo đuổi chủ đề và những thử thách ưa thích. 

Với Nhiếp Ẩn Nương, Hầu Hiếu Hiền muốn khán giả tin rằng dòng phim võ thuật vẫn còn chỗ đứng trong điện ảnh ngày nay, dù có được kể với một phong cách đôi phần khác lạ và táo bạo. Không còn gì tuyệt hơn khi được xem lời khẳng định ấy trong tay một vị đạo diễn thoải mái sáng tạo, cùng dàn diễn viên chính tuyệt vời của ông.