Serena (Susanne Bier, 2014)
Nếu chợt một ngày bạn nhớ ra rằng
Jennifer Lawrence và Bradley Cooper có một lần hợp tác nữa ngoài Silver
Linings Playbook và American Hustle, thì cũng đừng tự hỏi vì sao bạn
đã quên khuấy điều đó suốt thời gian qua. Serena tham gia Liên hoan phim
BFI London với sự xuất hiện không báo trước của Jennifer Lawrence, sau
đó. . . im bặt. Khi nói về Serena, bộ phim đã được Hollywood Reporter
gắn cái mác không khoan nhượng: “Phim bị lãng quên”.
Sẽ ngạc nhiên hơn nếu biết bộ phim này
còn được lên kế hoạch trước cả American Hustle, khi mà Jennifer Lawrence
và Bradley Cooper vừa bước ra khỏi Silver Linings Playbook, và vẫn rất
hào hứng được hợp tác lần nữa với nhau. Kịch bản chuyển thể từ
tiểu thuyết cùng tên của Ron Rash là cơ hội thứ hai cho đôi bạn diễn
làm cặp tình nhân. Nhưng lần này họ trở về thời kỳ Đại suy thoái,
lui về trong những khu rừng ở miền Nam nước Mỹ.
Serena Shaw mất gia đình từ nhỏ trong một
trận hỏa hoạn. Là một người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ và hơn thế
còn biết vận hành kinh doanh, cô thu hút George Pemberton từ cái nhìn
đầu tiên. Họ yêu nhau say đắm và bước vào cuộc sống vợ chồng, nhưng
chưa hạnh phúc bao lâu thì với những khó khăn kinh tế cùng những bí
mật của George bắt đầu hé lộ, Serena Shaw cũng dần mất tự chủ và cô
quyết tâm giành lại hạnh phúc cho mình bằng mọi giá.
Không sai khi nói phim chịu vận rủi từ khi
còn trong trứng nước. Năm 2010, Serena lọt vào danh sách đen Blacklist
của những kịch bản được thích nhất nhưng không được chuyển thể. Hai
năm sau khi đã được bật đèn xanh sản xuất, bộ phim luân chuyển từ đạo
diễn (Darren Aronofsky là cái tên đầu tiên đảm nhận bộ phim), diễn viên
(Angelina Jolie cũng đã được giao vai Serena từ trước) và lưu lạc đủ
nơi trước khi được 2929 Productions tài trợ, và nhờ đó được công ty
chị Magnolia Pictures phát hành ở Mỹ.
Lý do đầu tiên có lẽ vì cốt truyện của
Serena không mới. Thời Đại suy thoái đẫm máu đua tranh vẫn đang tung
hoành màn ảnh với Broadwalk Empire của HBO, khán giả thì vẫn còn chưa
quên hẳn hình ảnh “điên rồ” của Rosalyn Rosenfield, và chẳng ai là
không nhớ (hay thích) hình ảnh lãng tử của Bradley Cooper từ rất
nhiều phim của anh. Susanne Bier đã chọn một kịch bản không tệ nhưng
không đủ mới để tiếp tục hành trình Hollywood của bà (đang chững lại
sau Things We Lost in the Fire). Serena rất dễ xem và cùng đó là sự mê
hồn của các cảnh quay rừng núi xen sự sinh động qua phong cách quay
máy cầm tay được Susanne Bier ưa chuộng, lại được tô điểm chút cảm
hứng từ Macbeth trong sự điên dại của tham vọng. Nhưng việc hai diễn
viên chính đều được xếp hạng A ở Hollywood, lại run rủi chịu ngày
phát hành sau những phim có đà marketing trước của họ, không kèn không
trống, không tóc giả hay chửi bậy, cũng chẳng có những ca khúc hard
rock để giữ khán giả từ trailer – sự giản dị của Serena vô tình tiếp
tay kết liễu một bộ phim đầy rủi ro. Đến quảng bá cho bộ phim hồi
tháng 10 ở London, Jennifer Lawrence đã nói đùa rằng “Nếu các bạn
không thích thì cũng đừng lên Twitter chê bai nhé”. Tiếc là Serena quá
mờ nhạt và rắc rối cho những người đang mong ngóng sự bùng nổ dễ
chịu để có thể kể lể về nó.
Với một người không thường xuyên theo dõi
phim ảnh, Serena có vẻ chạm nhẹ vào cái mác nghệ thuật, mà đó là
vì những cảnh săn bắn xuất hiện dày đặc trong phim khiến ai cũng
phải hiểu đó là phép ẩn dụ, chưa kể những cảnh quan hệ nóng bỏng
nhưng cũng hơi thừa thãi. Việc những người muốn mua Serena công nhận
họ “chẳng hiểu bộ phim có ý nghĩa gì”, thì cho thấy bộ phim thiếu
sự xuyên suốt trong tuyến truyện và nhân vật cho một tác phẩm tự sự ra
sao. Có lẽ nếu không có quá nhiều kỳ vọng về hai diễn viên chính,
hay nếu đó là một phim nước ngoài, thì Serena đã thành công hơn chút.
Vậy khán giả nên xem Serena vì điều gì?
Là một chút tiến bộ trong diễn xuất của Jennifer Lawrence. Có cảm
giác cô nàng đã vào vai một quý cô, dù cũng có nhiều uẩn khúc tâm
lý, ngọt hơn, không còn vẻ “trẻ con to xác” như những phim trước. Có
lẽ vì được diễn chung với bạn diễn ăn ý nên cô diễn viên 24 tuổi
cũng có sự thoải mái nhất định. Dù vậy, một cánh én thì chẳng
thể làm nên mùa xuân, Serena vẫn mãi là một tác phẩm đáng quên của
bộ đôi Cooper-Lawrence.
Nhưng với việc tên tuổi của cả hai cùng
bay cao năm ngoái với American Sniper và The Hunger Games: Mockingjay Part
1, thì việc Serena có trôi vào dĩ vãng có lẽ cũng chẳng phải là
điều gì đáng quan tâm.