The Missing Picture (L'image Manquante), điện ảnh Campuchia và giấc mơ Oscar
Là một phim tài liệu nhưng với cách kể cầu kỳ và độc đáo, tác phẩm nói về lịch sử đen tối của Khmer Đỏ đã lọt vào danh sách đề cử Oscar năm nay cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.
Năm
1975, quân đội Khmer Đỏ nắm quyền trên vương quốc Campuchia, bắt đầu một thời kỳ
đẫm máu trong lịch sử đất nước này. Suốt 4 năm nằm dưới chính quyền Kampuchea
Dân Chủ với lãnh đạo Pol Pot, Camphuchia đã trải qua nạn diệt chủng tàn khốc dưới
chế độ cải cách, cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người.
Đạo
diễn Rithy Panh (sinh năm 1964) chia sẻ thời niên thiếu tang thương đày đọa với
những người cùng thời trong đó có gia đình của ông khi phải chứng kiến chế độ mới
tàn sát và phủ đầu người. May mắn trốn thoát sang Thái Lan năm 1979 và từ đây
sang Paris (Pháp), Rithy Panh tìm đến với nghệ thuật thứ bảy trong một lần tình
cờ cầm máy quay.
Bước
vào nghiệp đạo diễn, từ bộ phim đầu Rice People (1994), Rithy Panh đã tập
trung đem lại những thước phim tài liệu về mảng tối trong Campuchia sau thời
cai trị của Khmer Đỏ: từ việc chật vật gây dựng lại ngành nông nghiệp (Rice
People), việc có mạng lưới cáp quang đầu tiên (The Land of the Wandering Souls)
tới tệ nạn mại dâm ở Phnom Penh (Paper Cannot Wrap Up Embers). . .
Qua mỗi tác phẩm, vị đạo diễn lại càng thấy bản thân mình hướng tới nỗi đau lớn
nhất của quê hương ông: 4 năm đẫm máu từ 1975 tới 1979.
“Đã
nhiều năm tôi tìm kiếm một bức hình về thời Khmer Đỏ ở Campuchia. Một bức hình
không thể tố cáo hết tội ác giết người hàng loạt nhưng sẽ thôi thúc chúng ta
nhìn về lịch sử và ghi chép về nó.” Khi không thể tìm thấy bức hình về thời kỳ ấy,
Rithy Panh đã quyết định tự chuyển hóa thời niên thiếu của bản thân lên màn ảnh
làm minh chứng sống cho quá khứ. Tựa phim, The Missing Picture, là bức hình về
đất nước ông trong đau thương, bức hình chưa một lần được ghi lại.
Với
sự giúp đỡ của những nghệ nhân, Rithy Panh xây dựng lại tuổi thơ bằng những
hình hài và cảnh vật nặn từ đất sét. Từ bàn tay cặm cụi đẽo gọt những hình người
đơn giản, bộ phim mở ra khung cảnh ngôi làng nơi đạo diễn lớn lên với góc chợ,
trường học, đường phố cực chi tiết. Để hoàn tất trải nghiệm đi ngược thời gian,
The
Missing Picture còn lồng ghép âm thanh sinh động để đồng hành với mỗi
khung cảnh: từ tiếng rao hàng, tiếng trẻ con nô đùa tới lời ru à ơi, cuộc sống
ngày xưa hiện về như thể những hình thù kia tự chuyển động để kể lại. Màu sắc
trong mỗi cảnh vật cũng đều rất bắt mắt và tự nhiên như sự ngây thơ của những đứa
trẻ. Trước mỗi sự kiện động trời, mọi thứ đều thật yên bình và hoàn hảo.
Khi
quân đội Khmer Đỏ thình lình chiếm đóng và di tản gia đình người dân, bộ phim vận
dụng thêm những thước phim tư liệu được ghép chồng đằng sau hình người. Hình ảnh
cậu bé đất sét với khuôn mặt ngơ ngác đứng trước nền đoạn phim xe tải quân đội
đổ vào thành phố là lời tuyên bố chống chiến tranh thầm lặng đến tuyệt đẹp, khi
lịch sử bạo tàn chiếm lấy khoảng không hồn nhiên của một thế hệ vẫn ấp ủ bao ước
mơ hoài bão.
Không
chỉ chia rẽ gia đình thành từng nhóm lao động khổ sai ở nhiều thành phố xa
nhau, bắt họ bỏ đi danh tính để gọi nhau bằng con số, Khmer Đỏ còn tuyên chiến
với những nhóm dân ngoài nông nghiệp như lớp trí thức. Những cuốn sách bị đốt
cháy, trường học biến thành nơi tra tấn tù binh, sự đàn áp đó đã cướp từ tay thế
hệ trẻ một ngòi bút hay trí nhớ để viết về trang lịch sử cay nghiệt. Những đứa
trẻ giờ nằm dưới sự tàn ác của chính quyền, sống ngày ngày lao động khổ sai.
Dưới
sức ép của thời cuộc, sự tươi tắn cũng biến mất dần trong mỗi hình hài. Thay vào
đó là những khuôn mặt đờ đẫn vì đói, vì sợ, vì hoang mang trước số phận của bản
thân. Chính mắt đạo diễn Rithy Panh đã phải nhìn cha mẹ rồi em gái mình lìa đời
trong cơn đói và bệnh tật. Bên cạnh họ là bao nạn nhân khác bỏ mạng trong chế độ
thuốc thang nghèo nàn của Khmer Đỏ: chỉ dùng thuốc truyền thống của người dân
chứ không dùng thuốc phương Tây. Những con người đất sét giờ què quặt, bê bết
máu, nằm trong tiếng kêu rên đầy tang thương.
Có
thể thấy vì sao Rithy Panh chọn một người Pháp để dẫn truyện thay vì chính ông
hay một người đồng hương. Quá khứ của gia đình ông, dù được tái hiện bằng đất
sét thụ động, đủ mở ra vết thương lòng của bất kỳ ai trải qua đại nạn này.
Chính giọng kể trung lập của Randal Douc dựng cho The Missing Picture một cột
sống chắc chắn của thực tế, khiến người ngoài cảm nhận được sức nặng của tội ác
mà không hề ủy mị như lôi kéo cảm xúc khán giả.
Ngoài
đồng cằn cỗi, trong bệnh viện ủ dột, những xác người chồng chất bao phủ lên bộ
phim sự u ám của tương lai. Phút giây vui vẻ phần nào là khi những đứa trẻ được
quân đội cho xem phim về chính quyền Khmer Đỏ do chính phủ dàn dựng. Những người
nông dân trong phim cười nói, vẫy chào và bắt tay lãnh đạo Pol Pot đối lập với nhóm
khán giả nhỏ tuổi mà tàn tạ; họ nhìn lên màn hình trong sự chán nản. Rithy Panh
và bạn cũng nhiều lần ngủ gục tại những buổi chiếu phim mị dân như thế. Nhưng chính
ông cũng thấu hiểu sức mạnh vô hình của những thước phim giả tạo ấy khi nhiều đứa
trẻ non nớt dần tin vào lời tuyên truyền của chính quyền.
Một
đứa bé tự tố cáo mẹ mình là kẻ thù của đất nước chỉ vì bà lấy cho nó một quả
xoài, mà không hề biết mẹ mình sẽ bị phạt nặng ra sao. Chính vì những tâm hồn
thật thà như đứa bé ấy mà Rithy Panh quyết tâm làm The Missing Picture, đem
lại một bộ phim không được Khmer Đỏ trình chiếu, nhưng là chìa khóa để thế hệ
sau lấy lại danh tính của bản thân và dân tộc. The Missing Picture từ trải nghiệm cá nhân đã vươn ra thế
giới trong ước mơ thay đổi tương lai.
Là
một bộ phim tài liệu nhưng với cách kể cầu kỳ và độc đáo, The Missing Picture biến
thành một chuyến đi cá nhân cảm xúc mà sự chân thực đến từ sức nặng của quá khứ
đè nén lên tâm trí người trong cuộc. Không thể không khen những nghệ nhân đã tỉ
mỉ xây dựng cảnh tượng đầy sự sống cho câu chuyện; nhưng bên cạnh đó là thành
quả không nhỏ của nhóm biên tập và xử lý hình ảnh phim. Họ đã thêm vào những đoạn
tư liệu đắt giá bất chấp sự đẹp xấu trong chúng, tái tạo lịch sử và văn hóa quá
khứ cho người xem trải nghiệm thật nhất. Bám sát thực tế kèm những lời bình luận
về chính trị và lịch sử nhưng không chỉ ở mức phim tài liệu, The
Missing Picture tỏa sáng nhất với nghệ thuật dựng hình cuốn hút và khéo
léo.
Suốt
chiều dài phim, nhiều lần người xem thấy đạo diễn Rithy Panh tìm đến bảo tàng
và kho lưu trữ phim để tìm tư liệu về thời kỳ Khmer Đỏ. Nhưng phần lớn ông chỉ
tìm được những cuốn phim cũ, chực được cầm lên là nát vụn như hạt bụi lịch sử.
Mong muốn giữ lại ký ức của bản thân đã thôi thúc Rithy Panh làm nên bộ phim
tài liệu này. The Missing Picture, với chiến thắng Un Certain Regard tại Liên
hoan phim Cannes 2013, đã cô đọng lại một phần quá khứ đau thương không chỉ cho
người dân Campuchia mà còn đem lịch sử nước nhà tới khán giả trên thế giới.
Đạo diễn: Rithy Panh
Kịch bản: Rithy Panh & Christophe Bataille
Nước sản xuất: Campuchia-Pháp
Bài gốc được đăng trên VNExpress Giải trí ngày 20/02/2014
Comments