Antichrist: Địa ngục trần gian

2009, Liên hoan phim Cannes lần thứ 62, tại buổi họp báo của Antichrist. Câu hỏi đầu tiên đến từ tờ Daily Mail (Anh): “Thưa ông von Trier, vì lợi ích của tôi, xin ông hãy giải thích và biện hộ cho sự hiện diện của bộ phim này.” Tuy cố tỏ ra điềm đạm, người phóng viên vẫn để lộ trong từng chữ gằn sự bực bội, gần như ức chế đối với vị đạo diễn. Đó hẳn cũng là cảm giác chung của nhóm người vừa bước ra từ hai tiếng của những hình ảnh biểu tượng lạ lẫm xen cùng nhiều trường đoạn bạo lực phản cảm tới ghê rợn. Cũng gây tranh cãi như việc Lars von Trier tự tuyên bố “Tôi là đạo diễn giỏi nhất thế giới”, Antichrist dấy lên những câu hỏi đạo đức về việc đẩy người xem vào sự kinh hãi và căng thẳng tột độ.

Antichrist: gây sốc từ poster phim


Cái tên của của bộ phim, Phản-Chúa, dễ dấy lên ý nghĩ về một bộ phim lấy đề tài tôn giáo. Tuy nhiên, Lars von Trier, bản thân là người theo đạo Cơ Đốc, từ chối giải thích bất cứ chi tiết nào trong phim được cho là ẩn dụ. “Tôi không phải giải thích hay biện minh. Các vị (chỉ nhóm phóng viên và người xem) là khách của tôi, không phải ngược lại.”, ông nói ngắn gọn tại buổi họp báo. Đến bây giờ, ngoài nhiều giả thuyết, người ta chỉ chắc chắn rằng bộ phim này là phần đầu của bộ ba phim Depression, được làm trong thời gian Lars von Trier bắt đầu chữa trị chứng bệnh.

Không nghi ngờ gì khi Antichrist mang sức nặng đầy ám ảnh hơn các bộ phim khác của ông, dù chỉ xoay quanh đúng hai nhân vật chính trong gần như một khung cảnh – một sự tiết chế hiếm thấy trong các phim trước đây. Tuy nhiên, về mặt hình ảnh, Antichrist có sự chau chuốt cả về dàn xếp cùng cách biên tập hơn hẳn nhịp phim “ngẫu hứng” Lars von Trier thường áp dụng. Phần mở đầu (Prologue) dài 5 phút của phim được quay chậm (slow-motion) mượt mà kéo ánh mắt khán giả vào từng chi tiết. Xen kẽ với cảnh hai nhân vật chính (Chàng & Nàng) làm tình trên nền Lascia Chi’o Pianga của Handel là những cận cảnh vật thể chuyển động chơi vơi quanh họ như cũng bị cuốn vào cuộc truy hoan ấy. Mờ mắt trong nhục cảm, họ không hề thấy đứa con trai đã tò mò bước tới cửa sổ, vươn tới gờ tường rồi trượt chân rơi xuống. Cú rơi của đứa bé xen giữa cận cảnh gương mặt họ lên đỉnh cực khoái, như một định mạng vô vọng khi tình dục đem lại cái chết chứ không phải sự sống.

Tình dục và cái chết – hai điều kiêng kỵ trong văn hóa nhân loại đã được gói gọn trong Phần mở đầu

Ba chương tiếp theo của bộ phim: Tang thương (Grief), Đau đớn (Pain) & Tuyệt vọng (Despair) là hành trình hai vợ chồng hàn gắn tinh thần của bản thân, đặc biệt của Nàng sau tai nạn. Họ dọn về Eden, ở đây Nàng chấp nhận đối mặt và tìm hiểu về nỗi sợ của bản thân dưới sự hướng dẫn của Chàng. Nhưng có thể thấy cuộc trò chuyện của hai người bị cắt nhỏ thành từng nhát quay siêu ngắn, liên tiếp đảo chiều nhìn khiến khán giả “nhảy” từ bên phải qua trái của cảnh trong sự rời rạc của lòng tin giữa hai người. 

Cũng như vậy, càng cố tiến tới bến bờ lý trí thì hai vợ chồng lại càng trôi dạt khỏi nó: những cuộc trò chuyện, làm tình dần trở thành cuộc đối đầu giận dữ như áp đặt lỗi lầm lên nhau. Khi nhân vật đi tới mặt tối của họ từ đáy tới đỉnh tam giác thì Antichrist cũng để lộ dần những tâm lý tiêu cực luôn có thể bất chợt biến thành hành động với hậu quả không ngờ. Thực tế thay dần bằng những hình ảnh đẹp nhưng lạ như ảo giác. Ta gặp lại những phân đoạn chuyển động chậm giờ được tô màu rất ấn tượng, nhưng bên trong là những chi tiết có thể làm rợn gáy bất cứ ai: một con nai mẹ chạy đi với bào thai lủng lẳng phía sau, một con cáo với phần bụng bị rạch toác chồm lên nói “Hỗn loạn ngự trị”. Không ngạc nhiên khi nhiều người tức giận với những chi tiết của phim khi chốn có cái tên đẹp như mơ Eden (Vườn Địa Đàng) lại chứa những khung hình đáng sợ như vậy. Nơi đây con người thay vì tìm được sự thông thái để che đi sự trần trụi của bản thân lại sẵn sàng tận dụng những điểm yếu tâm lý và thể xác để lột trần nhau. 

Điểm sáng hiếm hoi trong tâm trí Nàng đấu tranh với bóng đen thực tại nghiệt ngã

Antichrist, sau những trường đoạn mang tính kể truyện, bùng nổ đầy sức mạnh và bạo lực phi lý như một cuốn phim kinh dị mất kiểm soát. Trái ngược với những hình ảnh mượt mà trải suốt phim, Lars von Trier đem lại cảm giác thật nhất cho chương Ba người ăn mày (The Three Beggars) bằng những đường quay dài bằng camera cầm tay để khán giả cảm nhận rõ sự đẫm máu trong mỗi chuyển động. Những chi tiết tra tấn thân thể kinh dị, đặc biệt với nhân vật Nàng, là phân đoạn được nhắc tới nhiều nhất, thêm lý do các nhà phê bình cho rằng Lars von Trier thích thú hành hạ nhân vật nữ của ông. Nhưng nếu không có hơn một tiếng trước đó trải qua những câu tra hỏi tâm lý của người chồng, khó có thể dẫn tới sự thù hằn mạnh mẽ đến thế ở một người vợ, người mẹ đang dằn vặt. Trên sầu đau và ngạo mạn, hai vợ chồng đã thay nhau đưa bản thân tới bước đường cùng. Sau bao trải nghiệm thị giác, màn hình trở lại đen trắng trên nền nhạc Lascia Chi’o Pianga lúc trước – một vòng tròn tội ác không điểm dừng. Không tội lỗi nào là không thể khi sự sống còn có trong mỗi người, và điều duy nhất chúng ta có thể làm là thở dài và than khóc như tựa đề bài hát cho sự thật đáng sợ đó. Đây là điều khiến Antichrist nên thơ một cách ám ảnh nhất chứ không chỉ với những hình ảnh máu me rùng rợn.

Bóng hình phụ nữ tượng trưng cho tội lỗi chất chồng trong Antichrist

Trở về với câu hỏi của người phóng viên ở trên, sự giận dữ của anh cũng dễ hiểu khi sự vượt mức trong bạo lực của Lars von Trier là khỏi bàn trong Antichrist. Tuy nhiên những hình ảnh ở hai chương cuối chỉ là đỉnh tam giác đã được hình thành trong suốt phim, bản chất về tội lỗi của nó không khác Phần mở đầu, chỉ không còn những thủ pháp hay hiệu ứng để làm mờ cảm giác ghê rợn. 

“Hãy để tôi khóc cho số phận cay nghiệt này” Lascia Chi’o Pianga

Đánh đổi khung cảnh và cốt truyện thường ngày ông hay dùng bằng sự ảo diệu và kỳ bí trong hình ảnh, Lars von Trier vẫn cho thấy tài năng của mình khi đẩy Antichrist đi ngược cảm giác đẹp đẽ mà điện ảnh thường nhắm tới bằng những khung hình trực diện vô cảm ở cao trào. Ông cũng không thể đạt được điều này nếu không nhờ công của bộ đôi diễn viên chính. Nếu Charlotte Gainsbourg quá can đảm thậm chí tới ngưỡng điên rồ thì Willem Dafoe, tuy “lép vế”, lại chững chạc hơn khi chỉ với lời thoại và biểu cảm đơn giản vẫn biểu lộ được chiều sâu của nhân vật. Một sự kết hợp hoàn hảo của diễn xuất tâm lý và cử chỉ đã mang lại cho bộ phim mặt thực tế nó cần để tác động khán giả mạnh mẽ nhất có thể. 

Cuốn hút với những thủ pháp nghệ thuật tuyệt diệu để rồi hé lộ sự gai góc bên trong, Antichrist sẽ thách thức người xem đi tới tận cùng cái ác trong những thước phim.


Một số thông tin ngoài lề bộ phim:
  • Giọng nói “Hỗn loạn ngự trị” (Chaos reigns) của con cáo là do chính Willem Dafoe lồng tiếng và được chỉnh
  • Chú cáo này cũng được đặc cách tham gia giải Palm Dog (Chó Vàng) tại Liên hoan phim Cannes năm đó, nhưng người thắng cuộc là chú chó Dug trong phim hoạt hình Up của Pixar 
  • Trước khi quay phim, đạo diễn Lars von Trier yêu cầu Willem Dafoe xem bộ phim Mirror (Andrei Tarkovsky, 1976) còn Charlotte Gainsbourg xem The Night Porter (Liliana Cavani, 1974) để nhập vai
  • Ít nhất bốn khán giả đã ngất xỉu khi xem bộ phim này tại Liên hoan phim Cannes
 (Nguồn thông tin: Rotten Tomatoes, BBC, Politiken & Wikipedia)


Đạo diễn: Lars von Trier
Kịch bản: Lars von Trier
Diễn viên chính: Charlotte Gainsbourg & Willem Dafoe 
Nước sản xuất: Đan Mạch-Thụy Điển-Pháp-Ý-Đức-Ba Lan 

Bài gốc được đăng trên Quái vật Điện ảnh ngày 10/03/2014

Comments