Nhạc phim Lawless (2012): Lửa rừng mạnh mẽ và bền bỉ


Lawless (2012) là bộ phim hành động của đạo diễn John Hillcoat, tái hiện lại thời điểm nước Mỹ trong thời kỳ cấm rượu. Bên cạnh sự bùng nổ của việc chế bán rượu lậu thì thời điểm này còn là sự trỗi dậy của những băng đảng gangster, những tên trùm hắc ám với các bộ luật rừng man rợ. Lawless lấy câu chuyện của 3 anh em nhà Bondurant (Howard, Forrest & Jack) để tái hiện một khung cảnh bạo lực nhưng ẩn sâu là tình cảm gia đình, tình yêu chân thành trên nền rừng núi vùng Virginia. 

Phụ trách sản xuất nhạc phim là Warren Ellis và Nick Cave, họ cùng với 3 nhạc sỹ khác thành lập nhóm The Bootleggers chịu trách nhiệm đệm nhạc cho đa số các ca khúc. Bản thân Nick Cave cũng là người chấp bút kịch bản cho Lawless. Nắm rõ những điều cốt yếu của câu chuyện, những bản nhạc ông sử dụng đã giúp Lawless nóng nhiệt trên từng chặng phim.

Mở đầu album là Fire And Brimstone, một bài hát theo phong cách Southern rock, vừa mở được không khí rừng núi xa xôi cùng sự sôi động như những cuộc trao đổi rượu lậu trên chiếc xe rong ruổi của anh em Bondurant. Điệp khúc “Tôi thấy lửa và lưu huỳnh tràn xuống từ trời cao” (I saw fire/Fire and brimstone/Coming down on my head) như một lời cảnh báo nguy hiểm, được hát trên nền nhạc đệm nhanh sảng khoái như tiếng lòng của những tâm hồn liều lĩnh.

Khi Lawless là một bộ phim của hàng loạt cuộc đối đầu chát chúa tiếng súng thì sự căng thẳng chỉ có thể dồn nén để bùng nổ ở cuối. Sau Fire And BrimstoneBurnin’ Hell còn dồn dập hơn với tiếng violin và bộ gõ hòa vào nhau trên một điệu nhảy điên cuồng, và nhiệt độ của phim được đẩy lên đỉnh điểm với White Light/White Heat do Mark Lanegan thể hiện. Ca khúc nổi tiếng của The Velvet Underground được đệm trống nhanh cùng violin réo rắt tăng tiến thay tiếng guitar và piano đều của bản gốc, thực sự vẽ nên khung cảnh dòng nhiệt hay chất adrenalin chạy dọc cơ thể!
 
Lawless được đặt bối cảnh ở Virginia, thuộc vùng văn hóa Appalachia trải dài từ Bắc Mississppi tới bang Pennsylvania. Ngoài đặc sản rượu moonshine đã được “giới thiệu” rất rõ trên phim, Appalachia còn là nơi sản sinh ra bluegrass, một nhánh nhỏ của dòng nhạc country Mỹ. Bluegrass sử dụng chủ yếu đàn dây như banjo 5 dây, mandolin, guitar. . . thêm đó là giọng hát hòa âm thường từ 4 tới 5 giọng. Dù không bluegrass hóa cả album nhưng những yếu tố này đều được Nick Cave & Warren Ellis vận dụng tốt vào các bài hát rock tạo chất mạnh mẽ mà vẫn giữ tính dân dã của chúng. Viêc sử dụng hoàn toàn giọng nam cũng giúp đề cao tình anh em, đồng đội là chủ đề chính của phim. 

Cũng không thể bỏ qua Ralph Stanley. Ông là ngọn hải đăng của dòng nhạc bluegrass, từng đoạt Grammy với ca khúc O Death thuộc album nhạc phim O Brother, Where Art Thou (2000). Điệu hát chậm rãi ngân nga của Ralph Stanley trong những bài hát không nhạc như Sure ‘Nuff ‘N Yes I Do, Fire In The Blood khiến đêm cũng như đông cứng, chỉ có giai điệu lặng lẽ tuôn trên giọng khàn lão luyện, tạo một điểm trầm trước những mạch cảm xúc chuẩn bị dâng trào trong những ca khúc kế tiếp.

Nick Cave & Warren Ellis

Trong kịch bản của mình, Nick Cave đã góp phần viết nên hai nhân vật nữ của phim là Maggie Beaufort (Jessica Chastain thủ vai) và Bertha Minnix (Mia Wasikowska đóng). Cũng như sự cá tính của họ trên phim bất chấp thời lượng ngắn ngủi, những bài hát trong album gắn liền với hai cô gái cũng có nét trầm lặng hay trẻ trung rất độc đáo, đứng tách biệt với những ca khúc rock nam tính mà không hề bị lép vế. Một giọng ca nữ đảm nhận các ca khúc này, đó là Emmylou Harris. Không cần phải đếm số Grammy nữ nghệ sỹ này sở hữu, hãy nghe sự biến hóa của cô trong album là đủ thấy cảm phục.  

Nếu Cosmonaut là sự tự do, phóng khoáng vô tư của Bertha mới yêu thì Emmylou Harris cũng thể hiện nó qua những câu hát cao, vang đầy tự tin “Em tỏa sáng như mặt hồ, và chỉ biết cười ngốc nghếch không ngừng” (Here I shine like swimming pools/And I am just a stupid fool/Who can’t stop smiling). Và sau đó, cô thì thầm như tiếng lòng của cô gái khao khát tình yêu “Hãy buông lỏng, lại đây ghì em đi, không sao đâu mà” (Come undone, squeeze me tight, it’s alright). Để rồi sự vui tươi ấy biến mất với Snake Song đầy gợi cảm khác hẳn bản gốc của Townes Van Zandt. Trên nền mandolin gảy trầm, giọng Emmylou Harris cất lên sâu, đứt đoạn đầy hoang dại và thách thức: “Nếu muốn, cứ chạm vào tôi đi. Tôi có nọc độc, có thể sẽ cắn anh” (You can touch me/If you want to/I got poison/Just might bite you). Snake Song dùng rất nhiều từ có phụ âm nhẹ: slippery, sleepin’, skin, shine, mercy, breath. . . tạo cảm giác y hệt tiếng một con rắn “thì thầm” với nạn nhân. “Nằm trong vòng tròn dưới ánh mặt trời. Tỏa sáng như kim cương trong đêm tối. Chẳng có lòng vị tha khi tôi cười. Chỉ có nanh độc và sự quyến rũ ngọt ngào.” (Lie in circles/On the sunlight/Shine like diamonds/On a dark night/Ain't no mercy/In my smilin'/Only fangs and/Sweet beguiling). Cũng là sự tỏa sáng tuyệt đẹp trong đêm và một nụ cười, nhưng với giọng hát như thở Emmylou Harris đã biến khỏi lớp vỏ của cô gái ngây thơ, biến bài hát thành dòng chảy của một thứ thuốc khiến người nghe chìm dần vào mê hoặc, như khi Forrest Bondurant sững người trước Maggie bí ẩn và bất cần đang đứng trước mặt anh. 

Sau loạt bài trầm lắng của mình, Emmylou Harris nhường lại chỗ cho những gương mặt trước hát lại các ca khúc theo phong cách mới. Ralph Stanley cover White Light/White Heat; Sure ‘Nuff ‘N’ Yes I Do được các nghệ sỹ thể hiện lại trẻ trung “quậy” hơn. Và để khép lại album đa dạng là Midnight Run của Willie Nelson, một bài hát theo phong cách Fire And Brimstone vẽ một vòng tròn tuần hoàn của sự tự do và hạnh phúc thể hiện ở đầu album. Cũng như Lawless kết lại ấm áp trên sự đoàn kết hòa thuận của gia đình nhưng vẫn ấp ủ những đam mê phiêu lưu thử thách, Midnight Run thắp tiếp ngọn lửa rừng để chúng tiếp tục cháy không chỉ trong gia đình mà trong cả tâm hồn. Fire In The Blood (Lửa Trong Máu) sẽ luôn rèn nên hình ảnh người đàn ông hào sảng, phóng khoáng sống ngoài sự kiểm soát của thế gian.  

Ai thích thì nghe cùng mình: http://mp3.zing.vn/album/Lawless-OST-Various-Artists/ZWZAO9DE.html :D

Comments