Bonjour Tristesse – Otto Preminger, 1958


Mỗi lần đi xem phim chuyển thể, đặc biệt là từ sách chưa đọc, là cảm giác như một con cáo đang mon men chùm nho, chả biết có với nổi không nhưng vẫn đòi phán ngọt chua. Chưa đọc truyện gốc của Francois Sagan (ai có lòng hảo tâm cho mượn ạ), nhưng nhân ngày bút tự dưng viết lại được cộng thêm mất mát bao thứ khác thì xin phép lảm nhảm một tí cho đỡ buồn.

Phim là chuỗi ký ức của Cecile về một kỳ nghỉ của hai bố con Raymond & Cecile ở Riviera, Pháp. Đi cùng họ là cô bạn gái Elsa của ông bố, sau họ đón thêm một vị khách là Anne Larsen, một người bạn cũ của gia đình. Kỳ nghỉ tưởng đẹp lại rạn nứt khi Raymond và Anne nảy sinh tình yêu và quyết định tiến tới kết hôn.

Thích làm về những đề tài gai góc như nghiện thuốc, cưỡng bức, lần này bộ phim đẹp đẽ được Otto Preminger lồng ghép khéo léo mối quan hệ đầy dấu hỏi hai cha con Raymond-Cecile. Nó chỉ được nhìn thấy qua cách nói chuyện và vài hành động nhỏ, sự căng thẳng được làm rõ hơn khi Cecile cảm thấy mất người cha vì sự xuất hiện của Anne Larsen. Mối quan hệ tam giác này có thể chưa được cao trào lắm do diễn xuất đôi chỗ hơi “đơ” của Seberg vai Cecile. Nhưng đừng vội quay đi các chú cáo ạ, quả nho đó sẽ chín mọng trong tầm 2 năm nữa thôi. Bù lại thì diễn xuất của Niven và Kerr ăn điểm tuyệt đối. Vai diễn Raymond của Niven có nét hào hoa nhưng vững chắc như một người đàn ông thành đạt mà biết rõ vị trí của mình; chỉ đến khi Anne xuất hiện thì mới lộ sự bối rối của kẻ vẫn không biết để tim vào đâu. Còn Deborah Kerr thì vẫn quyến rũ và hút hồn vô cùng: có nét thân thiện thành khẩn của một người mong muốn được nhận vào gia đình hai bố con, sự dịu dàng của người mẹ, lại có sự cao sang thuần khiết và cứng nhắc của một người không thích sự phù phiếm. Sự đa tính cách này cũng dẫn đến đoạn cuối – khi máy quay gần như đứng yên và cô run rẩy quay đi trên nền tiếng cười nói của Raymond. Một sự bất lực của cả Anne và cốt truyện. Từ đầu phim có tiết tấu nhẹ nhàng nhưng cách tập trung vào phản ứng của Anne làm phần cao trào mạnh mẽ hơn, cộng thêm khuôn mặt đẹp mà đau đớn của nhân vật làm người xem thêm thương xót. 
 
(Thôi đạo đức giả nai thế đủ rồi thực ra tui viết review chỉ để ca ngợi Deborah Kerr đó mà. Ai nói chuyện phim xưa với tui đều biết tui mê Kerr như điếu đổ, hehe.)

Từ những dòng credit không lẫn vào đâu được của Saul Bass, Bonjour Tristesse đã cực quyến rũ; thêm hai kỹ thuật CinemaScope và Technicolor, phim đẩy mạnh những hình ảnh thiên đường của Riviera như muốn nắng ấm trào vào khán giả. Nếu thích thời trang, có thể thích mắt ngắm những bộ quần áo, phụ kiện rất tinh tế của các hiệu Hermes, Cartier, Givenchy tạo điểm nhấn rất duyên cho hai nữ chính. Nếu Anne Larsen xuất hiện quý phái với chiếc áo choàng trắng làm nổi bật mái tóc đỏ và sau là các bộ cánh màu dịu dàng, thì Cecile có những bộ quần áo tomboy, sơ mi buộc nghịch ngợm. 

Phim có thể bị chê là nhạt nhòa, cách dùng màu đen trắng xen kẽ màu thường có dụng ý quá rõ ràng. Nhưng theo thiển ý đây cũng phản ánh cách sống không có gì sâu sắc của hai nhân vật chính ở thời điểm phim. Cách họ phản ứng khi Anne bỏ đi nói rõ sự xa cách của họ với cuộc sống tình cảm thường ngày, ông bố thì lãng mạn đến vô tâm, còn cô con gái thì quá ngây thơ. Sự đối lập giữa ký ức và hiện tại không nói họ đã trưởng thành lên bao nhiêu, nhưng chắc rằng cùng khuôn mặt buồn bã của Cecile là những cái “nếu” lơ lửng trong những ngày còn lại của năm. Phải, với những cái nếu ta có thể bỏ Paris vào một cái chai. Nhưng chỉ cần một lời nói dối thì Paris cũng trải dài miên man và còn tù túng hơn nhiều.


Có cảm giác Bonjour Tristesse làm tốt ở chỗ không có sự cố gắng gồng mình nào được nhìn thấy trong phim. Tất cả: hình ảnh màu sắc, quay nét hay mờ đều có hợp với diễn biến, cảnh được dựng lúc chi tiết lúc tiết giản rất lôi cuốn người xem, diễn viên không ai làm ai lu mờ, tạo chỗ đứng riêng trong phim. Bonjour Tristesse gợi nhớ đến một phim chuyển thể khác mà tôi cực ngưỡng mộ là A Streetcar Named Desire (Elia Kazan, 1951). Chưa kể mối quan hệ ba người và những căng thẳng đằng sau, nó cũng được đẩy cao bằng diễn xuất và sự tự tin trong các vai trò. Không hề thấy nhà làm phim đang cố chiều lòng từ độc giả tới người xem, từ fan diễn viên tới fan của đạo diễn, không quảng bá quá nhiều kỹ thuật hay âm nhạc phong cách, mà chỉ thực hiện một cái nhìn thật rõ ràng về tác phẩm gốc với những hình ảnh đẹp nhưng không thừa. Như thế đã là một phim (chuyển thể) đáng xem rồi.


Đạo diễn: Otto Preminger
Kịch bản: Arthur Laurents
Quay phim: Georges Périnal
Diễn viên: Deborah Kerr, David Niven, Jean Seberg, Mylene Demongeut
Quốc gia: Anh-Mỹ

Comments