The Pianist - Roman Polanski, 2002
Knife in the Water, Repulsion, Rosemary’s Baby, The Tenant, Chinatown. . . đây chỉ là một số tác phẩm danh giá của đạo diễn Roman Polanski. Thành công của chúng dựa không ít vào tài dẫn dắt mạch truyện của vị đạo diễn người Ba Lan. Những bộ phim của Polanski thường bắt đầu trên một mặt tưởng bình thường của cuộc sống, rồi để lộ những vết nứt sâu với độ ám ảnh tăng dần; kết phim cũng là lúc khán giả nhìn lại câu chuyện trong ánh nhìn hoàn toàn khác. Nếu có những đạo diễn thích để khán giả lần mò theo kịch bản như trong một mê cung, thì Roman Polanski thích để họ trên một đồng xu rồi lật ngược nó như chơi.
Đáng
nhớ nhất trong tài sản phim ảnh của Roman Polanski có lẽ là The
Pianist (2002). Lấy những bản nhạc Chopin đặt cạnh Thế Chiến II, bộ
phim chiến tranh không chỉ làm khán giả bất ngờ khi lật sang một mặt đầy cảm
xúc của Polanski, mà còn là một món quà tuyệt đẹp cho điện ảnh, và hơn hết, cho
quê hương Ba Lan và tộc người Do Thái mà ông thuộc về.
Bộ phim của sự trưởng thành
The
Pianist dựa trên tiểu thuyết hồi ký của nhạc sỹ
dương cầm Władysław (Władek) Szpilman.
Ông lớn lên tại Warsaw, Ba Lan cùng gia đình gốc Do Thái. Trải qua những tháng
ngày cam khổ khi chạy trốn phát xít Đức và chiến dịch thảm sát người Do Thái
trong 3 năm cuối của Thế Chiến, Szpilman luôn giữ một tinh thần lạc quan bất diệt,
mà khởi nguồn của tinh thần đó không gì khác ngoài âm nhạc của Chopin – vị nhạc
sỹ lỗi lạc người Ba Lan.
Vốn lớn lên trong khu biệt lập Krakow (Krakow ghetto, một
trong năm khu biệt lập Do Thái phát xít Đức xây dựng ở Ba Lan), Polanski đồng cảm
hơn hết với những tháng ngày sống trong hiểm nguy của Szpilman. Cách Polanski
tiếp cận câu chuyện trong The Pianist cũng thật tỉ mỉ và chậm
rãi. Mở đầu phim là một đoạn băng đen-trắng, với dòng chữ giới thiệu “WARSAW
1939”, trên nền đường phố đông đúc người qua lại. Trên những nốt nhạc của bản
Nocturne Đô thăng thứ, đoạn phim ngắn
như một tấm thiệp mời khán giả trở về những năm đầu cuộc chiến, cùng ôn lại lịch
sử với người dẫn truyện: Władek Szpilman. Với hai màu nhạt nhòa, đoạn mở đầu vẫn
gợi lên những sắc thái nhộn nhịp tươi vui của thời bình.
Phong cách tương phản này cũng chạy dọc mạch truyện của The
Pianist. Hình ảnh đầu tiên về cuộc sống của Szpilman là bên cây đàn và
bản nhạc Chopin. Chỉ cần nhìn cách anh cố bám lấy những nốt nhạc mặc tiếng bom
nổ, kệ gạch vữa bắn lên người, là biết tình yêu của anh với cây dương cầm sâu sắc
ra sao. Sau buổi thu âm đầy kịch tính, ta thấy anh vẫn bình thản trò chuyện với
cô gái Dorota; về đến nhà, mặc gia đình tất bật dọn dẹp di tản, anh kiên quyết ở
lại với lý do “Nếu chết thì chết ở nhà còn hơn”. Đây đúng hơn là một lòng tin về
thời bình không còn xa, bởi Anh và Pháp đã hình thành đồng minh, ủng hộ Ba Lan
chống lại phát xít trong cuộc chiến. Nhưng ngờ đâu, quân Đức sớm thắng thế, và
dần Szpilman nhận thấy bóng tối chiến tranh bao phủ cuộc sống của mình.
Nhận thức về cuộc chiến và sự tàn bạo của nạn diệt chủng
được thể hiện qua cái nhìn của Władek Szpilman về gia đình anh. Ở đầu phim,
Szpilman bước vào khi mọi người tất bật dọn dẹp, những lời thoại chen lẫn nhau
hay tiếng tranh cãi chuyện tiền bạc rất khó theo kịp. Tỏ thái độ có phần bàng
quan với cuộc chiến, nhưng gia đình cũng là một phần xa vời, không thể kết nối với
Szpilman. Lý do cũng bởi anh tự gắn mình với âm nhạc: những lúc anh phật lòng
vì bị em gái bắt ngừng chơi để đọc báo hay đi tìm em trai đều được thể hiện kỹ
lưỡng.
Nhưng chiến tranh
thay đổi tất cả. Khi phát xít Đức chiếm đóng Ba Lan, Szpilman mới hiểu sự mong
manh của mạng sống và gia đình. Đấy là khi anh thấy em trai mình ngã gục vì cơn
đói, khi cả nhà anh chứng kiến gia đình đối diện bị bắn như trò chơi, hay khi
anh thú nhận cứ tưởng xin được giấy làm cho bố là sẽ ổn thỏa. Những cảnh quay về
gia đình chững lại, ít di dộng hơn, níu kéo những khoảnh khắc họ còn bên nhau,
như Szpilman nói với em gái trong muộn màng “Ước gì anh dành nhiều thời gian để
hiểu em”. Cảnh đoàn tụ trong trại tập trung là cảm động hơn cả: người bố mua một
viên kẹo đường và tỉ mẩn chia cho cả nhà những phần tí hon. Cách họ ngồi thành
một vòng tròn khác hẳn những lúc trước khi cả nhà bị chia cắt giữa những bàn,
ghế và những tờ báo. Một bữa ăn khốn khổ nhưng đẹp vô cùng. Đó cũng là trước
khi gia đình Szpilman bị đưa tới Treblinka – trại hành quyết người Do Thái.
Szpilman được một tay cảnh sát cứu sống, nhưng điều đó có ý nghĩa gì? Người bố
dáo dác quay lại tìm con trai, Szpilman òa khóc giữa đường phố vắng. Phân đoạn
đầy day dứt như tiếng trách thầm chiến tranh và những chia cắt không thể xóa
nhòa.
Rời xa gia đình vĩnh viễn, chặng đường đối mặt với gian
nguy của chiến tranh là hành trình “trưởng thành” của Szpilman. Điều này được
thể hiện không đâu khác ngoài tiếng nhạc Chopin tượng trưng cho tâm hồn anh.
Trong suốt hành trình đầy những thử thách, tiếng súng đạn bom rơi, những khoảng
không yên lặng khi âm thanh đồng nghĩa với cái chết, âm nhạc trong Szpilman
luôn ẩn hiện và lớn dần theo thử thách. Cảnh anh nhớ lại cách chơi đàn, dù chỉ
trong tưởng tượng là những giây phút thực sự bừng sáng của nhân vật cũng như của
bộ phim. Suốt hành trình đó, âm nhạc từ chỉ là một môn nghệ thuật, một niềm đam
mê đã thành tượng trưng cho sự sống không phải của riêng người nhạc sỹ, mà tượng
trưng cho đất nước Ba Lan đang vùng dậy. Người ta có thể chơi Bach, chơi
Beethoven, nhưng những bản nhạc đó chỉ có thể nghe qua khe cửa, vang vất trong một
căn gác, còn Chopin thì luôn bừng cháy với nhân vật. Từ đầu phim, những bản nhạc
Szpilman chơi đều bị dở chừng hay ngắt quãng, cho đến khi Đại úy Hosenfield mời
anh chơi trong căn nhà trống. Phân cảnh đầy căng thẳng này như đòn bẩy cho bản Ballad Sol thứ: một lời tuyên bố với cái
chết cận kề. Cho dù đây có thể là bản nhạc cuối cùng Szpilman được chơi, cách
anh dồn tâm huyết cho đến nốt cuối là đỉnh cao của một khúc ca về sự sống bất
diệt.
Đau thương và hy vọng
Với một bộ phim chiến tranh, The Pianist lột tả không chỉ
bối cảnh mà cả tính bạo lực với những thước phim ám ảnh. Trường quay Babelsberg
(Đức) được thiết kế kỹ lưỡng để dựng lại không khí những năm 40, từ những
poster treo trên tường tới những trại tập trung giăng dây kẽm gai lạnh lẽo. Những
xác người nằm liệt trên đường đều chỉ có thể thấy thoáng qua khi các nhân vật
chính đi lại trên phố, nhưng cũng tả được sự đói khổ đến thường ngày của người
dân. Tiếng súng bom ban đầu như tiếng báo hiệu nguy hiểm, sau như một thành phần
không thể thiếu cho bộ phim, đối chọi với tiếng nhạc trong lòng Szpilman. Những
hình ảnh bạo lực thì khác, chúng được quay trong những khung hình đứng, gây cảm
giác ngột thở trước sự tàn nhẫn đến vô lý của những tội phạm chiến tranh, tăng
thêm sự kịch tính cho những nguy hiểm luôn bao vây câu chuyện. The
Pianist là một bộ phim đẹp, với những đại cảnh khó quên, những cảnh đêm
trau chuốt cùng những đoạn biên tập sáng tạo. Nhưng nó cũng bóp nghẹt tim khán
giả từng phút với những miêu tả không hề miễn cưỡng hay phóng đại về chiến
tranh. Thế Chiến II là những nỗi đau, những cái chết chỉ được biết đến mà không
rõ đầu đuôi, nhưng đó cũng là lý do bộ phim chọn cách kết ở buổi biểu diễn đầy
thành công của nhân vật chính. Hành trình qua những hiểm nguy dừng lại ở cảnh
quay cận bàn tay chơi đàn: không còn oán hận trách móc, người nhạc sỹ dùng âm
nhạc để cố hàn gắn những hận thù và đau thương tưởng vẫn vang vọng trong suốt
hai tiếng trước. Chiến tranh và con người rồi cũng qua, nhưng âm nhạc luôn còn
mãi, chắp nối quá khứ với những hy vọng phía trước.
Với The Pianist, Roman Polanski cũng có
một bước tiến không quên trong sự nghiệp. Bộ phim đạt Cành Cọ Vàng danh giá tại
Liên hoan phim Cannes 2002, 3 giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên
chính xuất sắc cho Adrien Brody, Kịch bản chuyển thể xuất sắc cùng 8 giải Cesar
(tương đương với Oscar của Pháp) cho nhiều hạng mục quan trọng khác nhau. Hơn cả,
The
Pianist đã giành được rất nhiều cảm tình và sự trân trọng từ khán giả Ba
Lan. Được công nhận là một đạo diễn tầm quốc tế, làm phim qua nhiều quốc
gia, nhưng có thể thấy, bộ phim đầy tính tự sự này mới là một thành công không
thể bỏ qua của Roman Polanski: một bộ phim cho quê nhà của ông.
Đạo diễn: Roman Polanski
Kịch bản: Ronald Harwood
Diễn viên: Adrien Brody, Thomas Kretschmann, Emilia Fox, cùng nhiều diễn viên phụ khác
Quốc gia: Pháp-Ba Lan-Đức-Anh
Comments