Pearl Harbor - Michael Bay, 2001

Đạo diễn Michael Bay thẳng thắn nói ông chỉ làm phim cho những cậu con trai tuổi teen. Hẳn là như vậy: nếu đề tài đại họa trong Armageddon bán cháy vé năm 1998 thì 10 năm sau Transformers làm khán giả say mê những con robot, khởi đầu một series khá thành công của dòng hành động-viễn tưởng. Không chỉ nội dung, từ Liv Tyler, Scarlett Johansson tới Megan Fox, những nàng thơ trong phim Michael Bay cũng góp phần làm bao chàng ngẩn ngơ. Tuy nhiên, ở giữa danh sách những phim bom tấn ấy là Pearl Harbor – về sự kiện Trân Châu Cảng năm 1941. Dựa trên cuộc tấn công thảm khốc để lại bao mất mát, bộ phim chiến tranh xem chừng “lệch pha” với các tác phẩm mang tính giải trí của Bay. “Những cậu trai tuổi teen sẽ rút ra điều gì từ Pearl Harbor?”, người ta tự hỏi.

Điều thứ nhất, Pearl Harbor không dành cho những người xem thiếu kiên nhẫn. 183 phút đẩy bộ phim thành một siêu phẩm lịch sử-chiến tranh, đồng thời là cơ hội để diễn tả sự tàn khốc của cuộc tấn công cũng như tường thuật chiến dịch đánh trả Doolittle của quân Mỹ sau đó. Thứ hai, bộ phim không đơn giản xoay quanh Trân Châu Cảng, đây còn là một chuyện tình tay ba giữa cô y tá Evelyn Johnson và hai chàng trung úy Rafe McCrawley và Danny Walker. Và cuối cùng, đây vẫn là một sân chơi của Michael Bay, nơi ông trổ tài về mảng gây ấn tượng thị giác. 

Như vậy, ngoài điều một thì Pearl Harbor hứa hẹn là một tác phẩm dễ xem. Nửa đầu phim tập trung giới thiệu nhân vật chính và những mối tình chớm nở. Hai chàng phi công Danny và Rafe là bạn từ thuở ấu thơ; Rafe quen và yêu cô y tá Evelyn xinh đẹp nhưng khát khao lập chiến công thôi thúc anh ra trận. Sau khi bị địch bắn trên mặt trận Anh, mọi người tưởng Rafe đã hy sinh, kể cả Evelyn. Khi anh trở về thì cô đã tìm được tình yêu bên người bạn thân Danny. Lằng nhằng vậy, nửa đầu phim gây cảm giác nhàm chán và lê thê ngoài mức cần thiết. Nhưng đây chính là nước Mỹ trước Trân Châu Cảng: một đất nước chưa biết đến thất bại, quyết định đứng ngoài Thế Chiến II trong sự bàng quan. Qua những nhân vật phụ như y tá Betty Bayer, Sandra, trung úy Red, Gooz. . . cuộc sống trên hòn đảo nhỏ ở Hawaii cũng hiện lên đầy bình yên; khi công việc chỉ như một cuộc đi dạo, nỗi lo lớn nhất là tìm cách mời người ta yêu đi chơi, còn cuộc chiến kinh khủng nhất là giữa hai chàng trai đang say. Đây là một trường đoạn đẹp, bổ sung bằng những hình ảnh ngập trong màu sắc ấn tượng cũng như vẻ đẹp không thể chối cãi của Kate Beckinsale (vai Evelyn). Tuy nhiên, cách kể chuyện rườm rà, những câu thoại thừa làm yếu mạch phim và khiến khán giả mất kiên nhẫn. Nhưng như đã nói, đây không phải phim cho người nóng đầu, muốn phim lao tới hồi kết. Bởi cho dù chán những chuyện tình “lãng mạn hóa” đến đâu, hẳn người ta vẫn muốn bám vào nó hơn là trông tới ngày định mệnh 07/12/1941 – phần hai và phần chính của Pearl Harbor.

Trên nền nhạc bi tráng, 300 chiếc phi cơ của quân Nhật lao tới Trân Châu Cảng và nhanh chóng oanh tạc căn cứ quân sự nơi này. Từng có video xỉa xói rằng muốn làm cảnh hành động như Michael Bay người ta chỉ cần thật nhiều khói lửa. Nhưng Pearl Harbor là một bộ phim cần những phân đoạn như vậy: trong phút chốc màn hình nhanh chóng ngập màu xám của khói xen kẽ với đốm lửa đỏ phun lên từ các chiến hạm thất thủ. Thêm cách biên tập nhanh, trường đoạn tấn công như một cơn ác mộng ập đến cho thủy quân Mỹ khi từng căn cứ bị tàn phá. Dù đang tả thực sự dã man của cuộc chiến, cách dùng nhiều đại cảnh cháy nổ như bị làm “quá tay”, thêm một số cảnh từ mắt nhìn của máy bay Nhật khiến phim mất đi sự đồng cảm cần thiết. Cũng như cách tả lính Nhật nghiêm trang lạnh lùng đối lập với những người Mỹ hòa đồng với cuộc sống vô tư ở đầu phim, cách dùng cảnh từ mắt nhìn “quân địch” thôi thúc người xem mong chờ một cuộc phản công từ lính Mỹ, chính xác hơn là khi ta được nhìn từ quan điểm hai phi công Danny và Rafe oanh tạc lại đối phương. Có thể không đồng tình với cách điều khiển cảm xúc khán giả như vậy, nhưng chi tiết này đi cùng với phong cách tôn vinh của phim khi ngay từ đầu đã dành cho Rafe vị trí lớn. 

Sau hàng loạt những biến cố dồn dập là những cảnh quay chậm mô tả từng cánh tay kêu cứu, từng chi tiết nhỏ nhưng chua chát như bức điện tín đến muộn, chú chó sống sót. . . Đây tiếp tục là bàn đạp cho phần cuối của phim: trận đánh úp do đại tá Doolittle chỉ huy – cũng dựa trên một chiến dịch thật. Tuy ngắn nhưng phân đoạn này có phần kịch tính hơn bởi sự không cân sức giữa tiểu đội phi công Mỹ và lực lượng lính Nhật dày đặc, nhất là cho những khán giả đã biết kết cục thật của chiến dịch. Hơn nữa, khi các nhân vật đã thân thiết với người xem suốt chiều dài phim, khi trận chiến đi đến hồi kết, ta tiếp tục mong họ sẽ ở lại. Nhưng đâu có thể, bởi bên cạnh hành động và khói lửa, Pearl Harbor còn là mất mát không nguôi. Từ điệu nhạc nguôi ngắt của Hans Zimmer đến hình ảnh gia đình đoàn tụ khi chiến tranh kết thúc, tất cả đều mang hình bóng của những người đã ra đi; như Trân Châu Cảng mãi là một vết thương cho lòng tự hào của quân đội Mỹ, những mất mát còn mãi cho tất cả những ai phải trải qua chiến tranh. 

Pearl Harbor không phải là một bộ phim chiến tranh hoàn hảo, nhưng những nỗ lực của phim để khắc họa thời điểm quan trọng đáng được ghi nhận. Tuy không được tốt về mặt khai thác lịch sử, nhưng với dàn diễn viên xuất sắc, đặc biệt là những gương mặt phụ như Ewen Bremner, Michael Shannon, Cuba Gooding Jr., Alec Baldwin, James King và Jennifer Garner, Pearl Harbor là một bức tranh đẹp về tình bạn và tình yêu trong chiến tranh. Do vậy, đây là một bộ phim dễ xem, dễ thích và dễ xem lại.

Đạo diễn: Michael Bay
Kịch bản: Randall Wallace
Diễn viên: Ben Affleck, Josh Hartnett, Kate Beckinsale, Alec Baldwin, Jon Voight
Quốc gia: Mỹ

Comments