Amy (Asif Kapadia, 2015) – Ghép lại một bi kịch



Được ghép từ 100 cuộc phỏng vấn và hoàn thiện sau 20 tháng biên tập, tốn 3 năm để hoàn thành, đạo diễn Asif Kapadia và ê-kip của anh đã biến bộ phim tài liệu Amy trở thành một phiên bản chân thực những sự kiện trong đời cô ca sỹ đoản mệnh. Một phiên bản cảm động và không hề thiếu thách thức người xem.

Trước Amy, Asif Kapadia đã gây ấn tượng mạnh với bộ phim tài liệu về một hình hài nổi tiếng nhưng cũng chịu số phận bi kịch – tay đua xe F1 Ayrton Senna, trong bộ phim tài liệu Senna. Với phong cách cực táo bạo: xây dựng hoàn toàn từ những băng hình được lưu lại, được cấu trúc sao cho giống một phim chính kịch với mỗi hình ảnh đóng góp vào câu chuyện về tham vọng, danh tiếng và ám ảnh; Senna phá vỡ hẳn quy tắc có giọng kể của phim tài liệu, trở thành một trong những bộ phim Anh nói riêng và phim tài liệu nói chung được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2011. Senna mở toang cánh cửa cho giải Phim Tài liệu Hay nhất không được BAFTA đụng đến từ năm 1989, và nhận giải Biên tập Xuất sắc nhất một cách xứng đáng. Nhưng ngày lên nhận giải, đạo diễn Asif Kapadia không nghĩ nó còn mở đường tới dự án tiếp theo cho anh.

Đó là một buổi chiều tháng 6 năm 2011, Nick Shymanski cùng bạn gái ông trú mưa trong một rạp phim phía tây London. Họ xem phim Senna và phong cách lạ lùng của bộ phim đã làm Nick Shymanski nảy ra một ý tưởng. Vốn là người quản lý đầu tiên của Amy Winehouse, từ lâu ông đã muốn ai đó kể về cuộc đời cô gái này. Thế rồi hơn một tháng sau, Amy Winehouse qua đời sau khi quá liều rượu. Ngày hôm sau, người ta tuyên bố cô đã phá kỷ lục Guinness về số lượng hit có trong một bảng xếp hạng đĩa đơn ở Anh. 

Thế nhưng Asif Kapadia lại là người liên hệ với Shymanski trước, khi anh được Universal đề nghị làm một phim tài liệu về Amy Winehouse. Khi cảm thấy những người biết cô ca sỹ có nhiều nhận định trái chiều và ở trong các nhóm có tính cách và cái nhìn trái ngược nhau, trong khi gia đình Winehouse lại phản đối ý tưởng làm phim tài liệu về cô con gái (Kapadia không bao giờ phỏng vấn được anh trai Winehouse vì người cha đã gay gắt ngăn cản), Nick Shymanski là cái tên cuối cùng trong danh sách của vị đạo diễn. Nhưng lúc này người quản lý cũ lại không muốn hợp tác bởi theo ông cái chết của Amy Winehouse vẫn còn quá mới mẻ, và ông cũng không muốn một bộ phim đào sâu vào những scandal rượu thuốc đã được báo chí đăng tải tràn lan quá nhiều. Chỉ đến khi ông đến phòng biên tập của Kapadia và đồng nghiệp, biên tập Chris King, nhìn thấy bảng thông tin chi tiết họ lắp ráp về cuộc đời Amy Winehouse, một bảng thông tin với những đường chỉ nối như trong phim trinh thám, Nick Shymanski mới dần có thiện cảm hơn với chí hướng của họ. 

Đoạn mở đầu của phim chính là những video về Amy Winehouse ông lưu trữ trong máy tính. Hình ảnh về một Amy Winehouse tuổi thiếu niên vừa ngượng ngùng với thách thức. Cô liên tục giấu mặt sau gối, và mất một thời gian Shymanski mới thuyết phục được một vài giây biểu diễn đầy tài năng từ cô. 

Chính từ những clip riêng tư đó mà Amy được xây dựng thành tấn bi kịch của cuộc đời cô ca sỹ người Anh. Asif Kapadia cho rằng Amy Winehouse đã sinh nhầm thời, khi sự bùng nổ kỹ thuật số đồng nghĩa với sự riêng tư bị xâm phạm hằng ngày. Bộ phim mở đầu khi chúng ta nhìn Winehouse qua chiếc máy quay của Shymanski, nhưng dần con mắt khán giả chuyển qua con mắt của hàng trăm con người nhìn lên sân khấu nơi Winehouse biểu diễn, rồi là hàng ngàn ống kính máy ảnh chĩa vào cô mọi phút. Trong cảnh Amy Winehouse quay lại nạt nộ một paparazzi, cô cũng nhìn thẳng vào mắt người xem. Sự tương tác gián tiếp đặt khán giả vào vị trí của những người phóng viên đang cố lấy thông tin để giao cho những khán giả thời đó, rất nhiều giờ đang ngồi xem bộ phim này. Asif Kapadia không tập trung quá nhiều vào sự xuống dốc về tinh thần, thể xác của Amy Winehouse, nhưng đặt khán giả vào tình thế quan sát “tiến thoái lưỡng nan” sự riêng tư bị lấn át của cô, anh cho thấy họ cũng có tác động tới cuộc sống Amy Winehouse ra sao. 

Nhưng sau cùng, Amy không phải là một bộ phim buộc tội. Khi chiếu thử bản cắt đầu cho Universal và thấy vẻ mặt mọi người sầm uất, Kapadia và King quyết định biên tập lại. “Nếu bộ phim quá u sầu, người xem sẽ quên mất người phụ nữ trên phim đáng yêu, tài giỏi và thông minh thế nào, và chỉ nhớ rằng nghiện ngập tệ hại ra sao. Chúng tôi muốn người xem bước ra khỏi rạp vào bảo nhau ‘Cô ấy tuyệt quá!’”, Chris King chia sẻ. Amy lồng ghép những buổi biểu diễn tuyệt vời nhất của cô ca sỹ, đặc biệt là buổi diễn ồn ào ở Serbia, đỉnh cao của đầy thăng trầm trong sự nghiệp và một cuộc sống bất ổn, nhưng không hề thiếu đi những khoảnh khắc đầy cảm xúc yêu đời thuần túy. Xem Amy, người xem có thể thấy tội lỗi, nhưng cũng nhớ mãi mặt yếu đuối của cô ca sỹ, và cảm thấy buồn bã khi phải nhìn những người thân trong cuộc sống bằng cách này cách khác đã để cô trượt dốc trước mắt họ. 

Có người kể, năm 2011, rất nhiều cuộc hội thoại ở Anh bắt đầu bằng câu “Tôi không khoái Công thức 1 lắm, nhưng mà. . .”. Có lẽ sớm thôi, thế giới sẽ sớm nói chuyện về Amy. Về bộ phim của Asif Kapadia. Về Amy Winehouse. Cả hai.