Rachel Weisz - yêu chạy trốn



Rachel Weisz rất thích chạy trốn. Cô luôn xuất hiện ở những sự kiện cần sự hiện diện của mình, nhưng cũng có lần ngồi trong xe trả lời phỏng vấn qua điện thoại dù chỉ cách nơi của nhà báo có hơn 1 cây số!
 
Không phải bông hồng
Sự kiện ấy khiến người ta thêm nghĩ Rachel Weisz như một cành hoa e lệ, không thích sự chú ý vậy, phù hợp với cụm từ “bông hồng nước Anh” mà hay được gán hú họa cho bất cứ người đẹp nào bước ra từ xứ sở sương mù này.  Nhưng nói Rachel Weisz là một bông hồng có lẽ là đơn giản hóa vẻ đẹp của cô. Có phóng viên của tờ Guardian (Anh) đã viết khoảnh khắc gặp cô như sau: “Khi Weisz bước vào, trông cô như vừa bước từ sàn catwalk xuống. Cô bước ngang căn phòng với vẻ đẹp thuần khiết trong bộ đồ đen trên đôi giày cao gót. Những cái đầu ngoái theo, những người bồi bàn phục vụ như đang được khiêu vũ, những cốc đồ uống hiện ra như có phép màu.” Nam giới phải run rẩy đã đành, nữ giới cũng phải chật vật mới giữ bình tĩnh khi nhìn vào đôi mắt hạt dẻ tuyệt đẹp của mỹ nhân. Một nhà báo khác còn ghi lại rằng một chú cún qua đường cũng ngước lên nhìn nữ diễn viên như bị hút hồn. Ở Rachel Weisz là nét đẹp không quá kiêu sa nhưng nghẹt thở với từng đường nét duyên dáng. Vẻ đẹp của cô khống choáng ngợp nhưng dễ bỏ bùa người đối diện, khiến họ có thể quên hỏi về nhiều điều khá nhiều người chưa biết về cô.

Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là người nhập cư gốc Hungary và Áo, Rachel Weisz có tuổi thơ khá êm đềm nhưng cũng không hoàn toàn hạnh phúc. Bố mẹ cô sớm ly dị. Những năm tháng thiếu niên Rachel Weisz chuyển trường rất nhiều trước khi ổn định ở trường nữ sinh St. Paul’s, mang theo những lời nhận xét là “có vấn đề với người cầm quyền”. Khá thản nhiên, bản thân Rachel Weisz thấy “chả vấn đề gì với một chút bất kính lành mạnh cả”. Những vấn đề tâm lý đeo đuổi cô đến những năm 20 tuổi với một thời gian dài phải điều trị.
Những ngày đi học, Rachel Weisz cũng không phải là người nổi bật nhất, dù cô nhận hợp đồng người mẫu đầu tiên năm 14 tuổi. Tự nhận mình không phải là một người “sinh ra để biểu diễn”, trong những vở kịch của trường cô hay nhận vai phụ trong khi những người bạn của cô tỏa sáng trong các vai chính. Năm 15 tuổi, cô làm chấn động Hollywood khi. . . từ chối vai diễn trong King David đối diện Richard Gere, bởi bố cô không muốn con gái qua Mỹ. “Tôi chẳng khao khát diễn xuất mấy lúc đó,” cô tâm sự. “Điều đó chỉ đến sau này. Như một điều gì đi ngang qua đời thôi.” Niềm yêu thích diễn xuất trong Rachel Weisz lặng thinh cho đến ngày mẹ cô – người cũng từng mong theo đuổi nghiệp diễn – xếp hàng mua vé xem kịch King Lear cho con gái. Chiêm ngưỡng nam diễn viên kỳ cựu Bill Nighy đã thổi phồng động lực trở thành đồng nghiệp của ông cho Rachel Weisz. Cô giữ thói quen đến xem tất cả tác phẩm phim và kịch của Bill Nighy, và khi có thể, luôn tìm cách gặp ông sau cánh gà để bày tỏ lòng hâm mộ, kể cả sau này khi cô đã thành một diễn viên nổi tiếng. Họ có một lời hứa nho nhỏ rằng sẽ đóng chung với nhau một ngày nào đó, dù phải hơn một thập kỷ điều đó mới xảy ra trong bộ phim Page Eight (2011). 

Nhiều hơn nữa
Trong khoảng đó, sự nghiệp của Rachel Weisz hơi ngược với thần tượng của mình. Trái với vẻ đạo mạo bề ngoài, Bill Nighy thường được công chúng biết đến với những vai “điên điên”, gàn dở nhưng ngầu một cách tưng tửng. Rachel Weisz lại có bước chuyển tới Hollywood khá nhẹ nhàng. Các vai của cô dù là phụ hay thứ chính, phần lớn là những nhân vật mang tính trí thức (The Mummy, Whistleblower) hoặc mang lại nét trầm cảm xúc trong phim qua những vai người vợ, người mẹ (The Constant Gardener, The Fountain). Không bị đóng khung vào “bình hoa di động”, làm việc với các đạo diễn như Darren Aronofsky, Peter Jackson và Vương Gia Vệ, nhưng đối với Rachel Weisz sự nghiệp của cô vẫn dựa vào nhiều những bất ngờ hơn là những bậc thang cấp tiến. “Từng có thời gian tôi đã nghĩ muốn làm [thể loại] nhất định trong tương lai. Sau The Constant Gardener, tôi đã muốn đóng một phim hài,” cô kể, “tôi không muốn làm gì căng thẳng nữa. Tôi đã từ chối mọi bộ phim để tìm kiếm một vai hài. Thật là một kế hoạch ngớ ngẩn. Rồi có lúc có vai diễn tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ nhận, rồi tôi kết nối với nhân vật ấy, thế là tôi chấp nhận đóng phim.” 

Vậy nên có khi cô chỉ làm một dự án một năm, nhưng cũng có năm “quá tải” như khi bước tới The Deep Blue Sea của Terrence Davies, chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Terrence Rattigan. Thời điểm đó Rachel Weisz vừa hoàn thành lượt diễn vai Blanche Dubois trong A Streetcar Named Desire trên sân khấu Donmar Warehouse (London). Hester Collyer không giống hoàn toàn Blanche, nhưng cũng không hề khác biệt trong sự tiều tụy thần sắc và những ảo tưởng cuộc sống. Rachel Weisz trúng tình yêu sét đánh với kịch bản này dù cô chỉ đủ can đảm gọi cho Terrence Davies hỏi “Có thể cho tôi thêm chút thời gian được không?” nhưng rồi sau sự thuyết phục của vị đạo diễn, cô cũng đồng ý. Với hai giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Phim New York & Toronto, Rachel Weisz đã gợi lại cho mọi người xem khả năng gánh vác, đưa đẩy phim xuất thần của cô ra sao, dù thật trùng hợp là hai dự án sau của cô đều là những phim bom tấn, như thể một sự xả stress cần thiết vậy! Nghiệp diễn đối với cô vẫn là một chữ “nhiều hơn nữa” luôn lơ lửng trước mắt, nên dù là vai chính hay phụ, làm vì đam mê kịch bản hay nhân vật, có cảm giác tài năng trầm lặng của cô sẽ chẳng dừng phô diễn trên màn ảnh.

Tháng 5 huyền ảo
Tháng 5 tới sẽ đem tới cho Rachel Weisz nhiều bận rộn khi hai bộ phim Youth và The Lobster có cô đóng vai thứ chính đồng thời ra mắt ở Liên hoan phim Cannes. Là lần trở lại Cannes của nữ diễn viên sau Agora năm 2005, đây kỳ vọng sẽ là bước ngoặt mới cho cô. Paolo Sorrentino và Yorgos Lanthimos đều là những cái tên nổi tiếng trong cách xử lý hiện thực huyền ảo trong phim của họ. Khán giả vẫn còn nhớ sự già cỗi ẩn chứa hỗn loạn trong bộ phim The Great Beauty năm 2013 của Sorrentino, và điều đó chừng nào lặp lại trong những hình ảnh đầu trong câu chuyện về một nhà soạn nhạc về hưu của Youth, với những gương mặt gạo cội như Michael Caine và Harvey Keitel. Còn Yorgos Lanthimos vẫn nổi tiếng nhất với những tác phẩm méo mó, kỳ quặc đến rợn người của anh. Đó đều là những vùng đất mới cho khả năng diễn xuất tâm lý của Rachel Weisz được biến hóa, và phần nào khịến cuộc đua giành Cọ Vàng Nữ diễn viên xuất sắc trở nên gay cấn hơn khi những tên tuổi góp mặt trong liên hoan phim gồm có Isabelle Huppert, Marion Cottilard, Salma Hayek và Naomi Watts. . . Nếu có gì ngoài số lượng phim tham gia làm lợi thế cho Rachel Weisz, thì đó là tính cách bản năng nhất của cô: chạy trốn, là ao ước được biến mất sau mỗi nhân vật mình thủ vai. Điều đó đảm bảo cho những lần chuyển hóa hoàn thiện nhất bất chấp hình dáng cuối cùng của bộ phim. 

Đối với Rachel Weisz, diễn xuất cũng như cuộc sống, tất cả những gì cần thiết là những lựa chọn đúng. Hy vọng rằng những dự án tiếp theo (năm 2015 cô còn The Light Between the Oceans của Derek Cianfrance) sẽ mang lại kết quả tốt sau những lựa chọn đúng đắn cô mang lại cho những bộ phim của mình.