Two Days, One Night (Jean-Pierre & Luc Dardenne, 2014)
Anh em nhà Dardenne luôn nói các bộ phim
của họ đến từ hai thành phố Seraing và Cannes. Một bên là nơi anh em
họ sinh sống, cũng là cảm hứng và bối cảnh cho nhiều bộ phim của
họ; còn một bên là nơi diễn ra liên hoan phim danh giá ở Pháp, nơi gần
hết phim của hai người được tôn vinh và biến tên tuổi Dardenne trở
thành một tượng đài. Năm nay, trở lại sau ba năm với Two Days, One
Night, hai đạo diễn đã thâu tóm mọi sự chú ý với bộ phim mới nhất
lấy bối cảnh khu công nghiệp Seraing nhưng cũng là lần đầu tiên hợp
tác với một diễn viên nổi tiếng – minh tinh Marion Cottilard.
Tuy nhiên, khi xem Two Days, One Night, người
xem vốn đã quen thuộc với phong cách tiết chế của anh em nhà Dardennes
sẽ không thấy sự thay đổi đáng kể khi có ngôi sao người Pháp đóng vai
chính. Bộ phim “đánh thức” cả nhân vật và người xem bằng một cú
điện thoại để bắt đầu bóc tách mảnh đời của Sandra trong 95 phút.
Khán giả không có thời gian hiểu nhân vật hay môi trường của cô. Phải
qua những lời nói lắp bắp qua điện thoại, sự cuống quýt của Sandra
khi chạy tới cơ quan, mọi người mới biết cô là một người mẹ đang gặp
rắc rối trong công việc.
Sau một thời gian nghỉ làm vì bệnh trầm
cảm, Sandra đối mặt với một thử thách khó khăn: trong hai ngày cuối
tuần cô phải thuyết phục 16 đồng nghiệp bầu cô đi làm lại trong cuộc
họp sáng thứ Hai, tuy nhiên mỗi phiếu bầu cho cô đồng nghĩa với việc
họ mất đi khoản tiền thưởng 1,000 Euro từ công ty.
Khi giới thiệu Two Days, One Night trong danh
mục tranh Cành Cọ Vàng, chủ tích Liên hoan phim Cannes Thierry Fremaux
đã gọi đùa đây là bộ phim cao bồi của hai anh em đạo diễn người Bỉ.
Không biết ông so sánh vậy có phải “hành trình” cam go một mình
thuyết phục 16 đồng nghiệp của Sandra rất giống người cao bồi lênh
đênh trên sa mạc mênh mông không, nhưng hành trình trong Two Days, One Night
là minh chứng cho tài năng của hai vị đạo diễn trong việc lột tả
những điều “không thể nói” trong tương tác giữa người với người, mà
trong đó ẩn chứa những tham vọng, ước muốn trái chiều có thể là
bản chất của mọi cuộc đấu tranh.
Chỉ nhìn qua, gia đình của Sandra không
phải hạng trung lưu khá giả, mà chỉ hơn bình dân một chút. Người
chồng Manu làm đầu bếp còn cô làm trong nhà máy sản xuất tấm năng
lượng mặt trời. Lương của họ vừa đủ nuôi hai người con, nhưng sự bối
rối, tuyệt vọng tới cầu xin của Sandra trong việc xin những người
đồng nghiệp cho mình đi làm đủ cho thấy gia đình cô cần cô làm việc.
Quan trọng hơn, đối với Sandra, lấy lại việc làm cũng là chứng tỏ
bản thân đã vượt qua bệnh trầm cảm đã nhấn chìm cô trong thời gian
qua. Sự mong manh của người vẫn còn chênh vênh tâm lý đến từ cách
Sandra luôn dằn vặt bản thân sau mỗi lần bị từ chối, nghĩ rằng mọi
hy vọng đã hết, tới chiếc áo hai dây cô mặc, phơi tấm thân gầy trong
nắng. Lấy lại công việc ở nhà máy là tấm bàn đạp để cô lấy lại
lòng tin vào giá trị của bản thân.
Nhưng dù hiểu điều đó hay không, thì
những người đồng nghiệp, với hoàn cảnh gia đình cũng như Sandra (thậm
chí kém hơn), liệu có thể từ bỏ 1,000 Euro, một khoản tiền quá lớn và
quan trọng như vậy? Lần lượt Jean-Marc, Estelle, Maxime hay Juliette. . .
người ngoảnh phắt, người ngượng nghịu từ chối. Trong việc bám sát
nhân vật chính, chỉ đơn giản là ghi lại những lời hội thoại, Two
Days, One Night khéo léo chỉ ra những phút giây vá víu khi con người
cố gắng giữ hòa khí trên một vấn đề vốn nhạy cảm: tiền bạc. Từ
tiếng mời uống nước sau lời từ chối tới việc gây gổ cãi vã bất
ngờ, bộ phim đặt con người trên bàn cân vụ lợi qua hoàn cảnh của
Sarah, để khán giả tự vấn về những lựa chọn của chính mình. Bộ
phim dùng nhiều cảnh quay dài trên dưới 7 phút, kéo dài mỗi cuộc nói
chuyện như niềm hy vọng của Sandra được níu kéo thêm, nhưng cũng kéo
dài sự ăn năn của cô sau mỗi lần phải đặt đồng nghiệp mình ở tình
thế khó xử.
Phải nói thêm rằng tuy theo đuổi chủ
nghĩa hiện thực nhưng anh em Dardenne cực kỳ cầu toàn với nội dung
trong thước phim. Nữ diễn viên Marion Cottilard trung bình quay 50 tới 60
lần cho mỗi cảnh, với kỷ lục là 82 lần. Điều đó cho thấy họ mong
muốn mang lại sự hoàn hảo nhất ở cách hành xử và đối thoại của
nhân vật, để kéo ra sự chân thật nhất trong cảm xúc con người ở hoàn
cảnh như Sandra, người chồng Manu và đồng nghiệp. Nếu Two Days, One
Night là về cuộc chiến của lòng tin và tình bạn, thì anh em Dardenne
biến hóa hai công cụ lời nói và hành động sao cho gần gũi nhất, để
cử chỉ nói lên tâm lý nhân vật. Đó chính là thành công của họ trong
việc tạo ra tính hiện thực cho phim, chứ không chỉ ở cách quay máy
cầm tay theo bước chân nhân vật hay không sử dụng hiệu ứng hình ảnh
và âm thanh.
Với một cốt truyện và diễn biến khá đơn
giản trừ bất ngờ ở cuối, bộ phim của hai đạo diễn người Bỉ ấn
tượng hơn hẳn với diễn xuất của Marion Cottillard. Nữ diễn viên người
Pháp thừa nhận Sandra là “khoảng không bí ẩn” cô chưa từng chạm tới,
nên hài lòng tham gia bộ phim bất chấp sự “khó tính” của hai người
đạo diễn, cũng như việc học nói tiếng Pháp giọng Bỉ hay phải tách
khỏi gia đình để nhập tâm vào trạng thái trầm cảm của Sandra. Kết
hợp với kịch bản thông minh của phim, mỗi lần nữ diễn viên chìm trong
đau khổ trực diện người xem, hay khi máy quay chỉ hé mở bờ vai đang
run trong tiếng khóc của cô, Marion Cottilard đều chiếm được sự cảm
thông của khán giả. Bên cạnh đó, Fabrizio Rongione vốn là người hợp
tác quen thuộc trong các phim của hai vị đạo diễn, anh nhập vai Manu
rất nhẹ nhàng, toát ra hình ảnh người chồng đầy cảm thông đến mức
phi bản ngã. Theo chiều cuốn phim, cảm giác tình yêu của Manu dành cho
Sandra đã dần chảy tới cô, đánh tan nỗi dằn vặt cô khoác lên mình,
để họ hòa hợp trong bản nhạc của Van Morrison vang lên tự nhiên tuyệt
đẹp.
Bất ngờ lớn nhất Two Days, One Night có
lẽ là việc anh em nhà Dardenne lần đầu. . . trắng tay khi mang phim của
họ dự Liên hoan phim Cannes. Việc Marion Cottilard không được giải diễn
xuất cũng là một điều đáng tiếc. Có lẽ các nhà phê bình vẫn đang
tiếc nuối những cái kết chơi vơi, hẫng hụt cảm xúc mà hai vị đạo
diễn vẫn mang tới thay vì cái kết vẹn toàn của bộ phim lần này.
Nhưng nụ cười của Sandra cho thấy sự hoàn hảo hay chênh vênh hoàn toàn
nằm trong tâm thế của con người, và việc vượt qua chông gai cuộc sống,
chỉ để đón tiếp những chông gai mới như một kết thúc có hậu. . . đó
cũng là một tâm thế đáng khâm phục.
Bài được đăng trên VnExpress ngày 04/12/2014.