Two Days, One Night (Jean-Pierre & Luc Dardenne, 2014)
Khi giới thiệu Two Days, One Night tại Liên
hoan phim Cannes lần thứ 67, chủ tịch Thierry Fremaux đã gọi bộ phim
thứ 17 của anh em nhà Dardenne là “tác phẩm viễn tây từ nước Bỉ”. Nhưng
không nên chờ những màn đấu súng mờ khói hay khung cảnh sa mạc hùng
vĩ sau lưng người cao bồi trên lưng ngựa, nhất là từ hai vị đạo diễn
vốn luôn làm Cannes xiêu lòng với chủ nghĩa hiện thực trong phim mình.
Two Days, One Night dõi theo Sandra, một công
nhân phải thuyết phục đồng nghiệp bầu cho cô quay lại làm việc sau
thời gian nghỉ làm vì trầm cảm. Rắc rối ở chỗ, mỗi công nhân sẽ
mất khoản tiền thưởng 1,000 Euro của họ nếu bầu cô ở lại. Bộ phim
chỉ đơn giản là những lần gặp gỡ giữa Sandra và những người ở chỗ
làm để xin họ đổi ý trước cuộc bỏ phiếu vào thứ Hai.
Nếu vì cái tên và diễn biến theo sát
trình tự thời gian khiến Thierry Fremaux liên tưởng tới High Noon ngày
xưa, thì anh em Dardenne cũng ủng hộ rằng nhân vật nữ của họ như một
người cao bồi lang thang trên những cuộc đấu tay đôi dưới sự ủng hộ
duy nhất của người phó tướng – ở đây là người chồng Manu – trước
cuộc đại chiến cuối cùng. Nhưng không vì thế mà bộ phim trở nên kịch
tính theo cách dàn trải một cuộc chiến cân sức, bởi sớm sau khi bộ
phim bắt đầu trong tiếng điện thoại reo, khán giả sẽ thấy một Sandra bấp
bênh trên bờ vực của căn bệnh trầm cảm, nốc thuốc Xanax để ngăn những
cơn hoảng loạn triền miên trong tuyệt vọng tìm lại công việc và lòng
tin của mọi người. Sự mỏng manh của Sandra không chỉ có từ chiếc áo
hai dây cô mặc suốt phim, mà còn từ sự từ chối của những người cô
từng coi là bạn.
Marion Cotillard là diễn viên nổi tiếng
tầm quốc tế đầu tiên cộng tác với anh em Dardenne, và cũng là lựa
chọn duy nhất dù đồng nghĩa với việc họ phá vỡ lời hứa chỉ hợp
tác với những diễn viên vô danh. Để hòa nhịp với tính khổ hạnh trong
phong cách phim, nữ diễn viên đã phải học nói giọng Bỉ cũng như xa
cách chồng con trong một thời gian để nhập tâm vào trạng thái trầm
cảm. Không chỉ từ Sandra, những chi tiết từ con người và môi trường
xung quanh nhân vật nữ như lời mời uống nước ngượng nghịu thay lời xin
lỗi hay tiếng còi báo hiệu trong xe ôtô cũng giúp hòa tan hình ảnh
minh tinh người Pháp trong khu công nghiệp Seraing. Two Days, One Night
xuất phát từ một sự kiện có thật tại những nhà máy ở Pháp, Ý,
Bỉ và Mỹ, nhưng sự sắp đặt thông minh và tương tác với diễn xuất cho
thấy sự lão luyện của hai đạo diễn người Bỉ trong việc tạo ra tính thực
tế trên những thước phim chứ không chỉ đơn thuần chắt lọc nó.
Two Days, One Night đem một ngạc nhiên duy
nhất là việc anh em Dardenne lần đầu trắng tay khi mang tác phẩm đến
tranh Cành Cọ Vàng ở Cannes. Nhưng với 10 năm lên ý tưởng cùng một
tháng chuẩn bị, kỷ lục 82 lần cho một cảnh quay của Marion Cotillard,
bộ phim cho thấy hiện thực hoàn toàn có thể được chưng cất và tái
tạo tới phần tuyệt mỹ trên màn ảnh.