The Zero Theorem - sự đứt đoạn trong thế giới công nghệ


Bộ phim của đạo diễn Terry Gilliam thể hiện nỗi lo về số phận loài người ở một thế giới mà máy móc tối tân khổng lồ chực “nuốt chửng” tất cả.


Ngoài đời, đạo diễn Terry Gilliam là một người rất vui tính, luôn tươi cười khi thảo luận về các bộ phim hay các ý tưởng của riêng dù ông tự nhận mình rất bi quan về mọi thứ: về thế giới hay về tương lai của điện ảnh. Khi được hỏi ý kiến về công nghệ thông tin, Terry Gilliam nói đùa: “Nếu tôi mà là người thổ dân da đỏ thì tôi sẽ rất lo lắng cho linh hồn của mình vì ngày nay ta chụp ‘selfie’ nhiều quá.” Tác phẩm mới nhất của ông, The Zero Theorem, được phát triển trên nỗi lo về số phận con người giữa một thế giới vi tính tối tân nhưng phức tạp.

Được Terry Gilliam công nhận là tác phẩm ông hài lòng nhất từ Brazil (1982), The Zero Theorem xoay quanh Qohen Leth (Christoph Waltz), một nhân viên lập trình được người Quản lý (Matt Damon) giao nhiệm vụ giải phương trình Zero chứng minh mọi thứ bằng 0, tương đồng với sự vô nghĩa của vũ trụ. Trợ giúp cho Qohen Leth là người đồng nghiệp Joby (David Thewlis), cậu bé thiên tài Bob (Lucas Hedges) và cô gái bí ẩn xinh đẹp Bainsley (Melanie Thierry) – người làm việc trong một trang web gợi tình. Cùng với nhiệm vụ bất khả thi ấy là hành trình Qohen Leth tìm giá trị cho cuộc sống của anh.

Với một tác phẩm khoa học viễn tưởng, không gì quan trọng hơn là xây dựng một thế giới thật ấn tượng về thị giác. Trong quá trình quay phim, Terry Gilliam đã chọn tỉ lệ khung hình là 16:9 (thay cho tỉ lệ chuẩn 1.85:1 của phim Hollywood) và chiếu ở kích thước toàn màn hình (full-frame); điều này khiến màn hình mở rộng hơn, biến trọng tâm của mỗi đại cảnh và cả Qohen Leth trở nên bé nhỏ, tô đậm rõ sự hoang mang của nhân vật trong một thế giới khổng lồ chực “nuốt chửng” anh.

Với một con người khép kín, lấy tòa thánh đường cổ kính làm nơi cư trú của bản thân như Qohen Leth thì thế giới bên ngoài trong The Zero Theorem thật lạ lẫm: đường phố ngập tràn biển quảng cáo cách làm giàu, nơi làm việc như một công viên giải trí đông nghịt luôn cần hoạt động trao đổi thông tin không ngừng, một bữa tiệc thì điên rồ với những con người ăn mặc giống nhau, tay huơ thiết bị điện tử kể cả khi nhảy múa rồi dùng điện thoại chụp lại mọi diễn biến quanh họ. Cùng với những lời trao đổi về các tác phẩm phim ảnh nổi tiếng như Star Wars, The Matrix, những chi tiết màu sắc, mang tính hài hước này như một cái nhìn có phần giễu cợt của Terry Gilliam về thời hiện đại hơn là tương lai.
  
Tuy không mang sức u ám nặng nề như Brazil hay 12 Monkeys (1995) nhưng những chi tiết châm biếm xã hội như vậy không khiến bộ phim kém cuốn hút. Phong thái luống cuống sợ hãi của Qohen Leth được Christoph Waltz lột tả rất tự nhiên mà đột phá so với các vai Hans Landa hay King Schultz tạo tên tuổi cho nam diễn viên này.
  
Không thể bỏ qua công nghệ thông tin là những chi tiết khiến The Zero Theorem trở nên thú vị và bất ngờ. Cách giải phương trình Zero mang hơi hướng một trò chơi điện tử, được quay phần lớn ở góc nhìn người chơi khiến người xem có thể bị “chao đảo” với lối đi không lường trước của mỗi khối hình. Không chỉ ở phương trình, từ việc tư vấn tâm lý với bác sỹ Shrink-Rom (Tilda Swinton) tới trang web của Bainsley cũng được xây dựng với những phần mềm tinh vi, cho phép Qohen Leth bỏ qua sự ngần ngại giao tiếp của anh khi họ xuất hiện trong máy tính như người thật.  

Tuy nhiên trong sự tối tân ấy là sự cứng nhắc như điều tất yếu của công nghệ khi phần mềm nào cũng có thể bị hack, bị biến dạng hay thậm chí cắt đứt kết nối với người dùng. Hơn nữa, mối liên kết với công nghệ mang lại cảm giác bị giám sát bởi một máy chủ, khiến mỗi người có thể chỉ là một con rối hay làm trò cười cho một cấp cao hơn. Có thể thấy điều đó trong những cái tên thú vị mà bộ phim gán cho nhân vật: Bác sỹ Shrink-Rom (phần mềm chỉnh não), Job-y (con người của công việc), Management (Quản lý). 

Những nhân vật phụ trong The Zero Theorem thường có cái tên gắn liền cho công việc hay vị trí của mình, vận hành cùng nhau cho một bộ máy không rõ mục đích. Hành trình tìm ý nghĩa cho cuộc sống và vũ trụ của Qohen Leth dần trở thành một cuộc tìm kiếm tự do. Cố dứt bộ não mình khỏi sự giật dây của mọi cơ quan điều khiển và sự đồng hành với máy móc, anh đi tìm chữ “tôi” để xưng hô cho bản thân chứ không phải chữ “ta” chung chung mờ nhạt.  

Tuy có lớp ý được lồng ghép rất khéo trong những màn nói chuyện dài về toán học và công nghệ, cách kết lại câu chuyện của The Zero Theorem lại không đủ sức nặng, có phần chóng vánh đến lóng ngóng. Đoạn kết của phim rất đẹp, là một trải nghiệm thị giác hoành tráng mà không cần hiệu ứng 3D để để lại ấn tượng, nhưng ý nghĩa của nó bị mất đâu đó trong những hình ảnh diệu kỳ bởi sự khái quát quá nhanh sau những phân tích tỉ mỉ suốt phim. Tuy nhiên, lồng trong bản Creep mê hoặc của Karen Souza cuối phim vẫn có thể là những câu hỏi chất chứa về sự hiện diện thực của con người, dù chưa được phát triển mạch lạc.  

Bên cạnh những hình ảnh công phu đầy đột phá là những màn diễn xuất ấn tượng của toàn bộ dàn diễn viên khiến bộ phim có sức nặng để giữ chân người xem. Bên cạnh Qohen Leth đầy ưu tư và biểu cảm phong phú của Christoph Waltz, hai gương mặt mới Melanie Thierry và Lucas Hedges cũng không hề lép vế. Nữ diễn viên người Pháp có sức cuốn hút rất riêng, trong khi cậu bé Lucas Hedges góp mặt trong The Grand Budapest Hotel của Wes Anderson) thì có sự tự tin và diễn xuất thuyết phục vượt tuổi. 

Terry Gilliam tin rằng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, việc tự hoàn chỉnh một bộ phim là điều không xa vời với bất cứ ai, khiến điện ảnh mất dần vị trí độc tôn trong ngành giải trí. Nhưng để làm một tác phẩm hay và nhiều nét cá tính như The Zero Theorem, có lẽ vẫn cần những bộ óc sáng tạo và trí tưởng tượng bao la như của vị đạo diễn để tiếp tục đẩy thế giới phim và điện ảnh tiến xa hơn về tương lai. 

Đạo diễn: Terry Gilliam
Kịch bản: Pat Rushin
Diễn viên chính: Christoph Waltz, David Thewlis, Melanie Thierry, Lucas Hedges & Tilda Swinton
Nước sản xuất: Anh-Romania

Bài gốc được đăng trên VNExpress Giải trí ngày 15/04/2014

Comments