Cosmopolis - David Cronenberg, 2012
Nổi tiếng với các phim kinh dị biến thể (physical horror), nhưng cũng đã hơn một thập kỷ từ khi eXistenZ (1999) – bộ phim cuối cùng theo thể loại này của đạo diễn David Cronenberg – ra mắt. Sau đó, từ A History of Violence (2005) đến A Dangerous Method (2011), cách kể chuyện cũng như đề tài trong các tác phẩm của vị đạo diễn này không ngừng thay đổi. Sự tò mò cũng do đó tăng lên khi Cronenberg tuyên bố chuyển tải tiểu thuyết Cosmopolis của Don DeLillo lên màn ảnh.
Nói về đề tài của bộ phim, Cronenberg nhấn mạnh sự quan trọng của THÔNG TIN và công nghệ nói chung. Nắm bắt được thông tin trong chênh lệch một phần tỷ giây cũng dẫn tới hậu quả khó lường, ông dẫn chứng bằng vụ tay tài chính London Whale làm thiệt hại hơn 2 tỷ Bảng của công ty JPMorgan trong một lần giao dịch. Cosmopolis bước đầu là một cuộc hành trình xuyên qua thông tin với chiếc limousine lầm lũi tiến về bên kia thành phố, bên trong Eric Packer liên tục cập nhật tin tức qua từng vị khách quá giang. Từ nhân vật chính đến những người anh gặp trên đường, mỗi lời nói – một cách trao đổi thông tin – đều gần như vô cảm, dễ khiến người xem cảm giác bộ phim không có sức sống. Như tâm lý học đã chứng minh, cách nói khác nhau có thể dẫn đến các cách hiểu thông tin khác nhau, vậy nên Cronenberg chọn cách loại bỏ yếu tố đó để mang đến những thông tin nguyên chất nhất, không mang ẩn ý hay tính toán. Qua phong cách này, ông ngầm chỉ ra yếu tố thành công của Eric và các nhà tài phiệt nói chung: nắm bắt thông tin tận “xương tủy”. Lột bỏ cảm xúc trong các cuộc đối thoại, bộ phim cũng dựng nên nhân vật Eric khô khan với mối quan tâm duy nhất là thông tin con số. (Kỷ niệm tuổi thơ Eric nhớ nhất là khi anh tự tính ra cân nặng của mình trên các hành tinh khác) Đổi lại, cách làm này khiến không ít khán giả cảm thấy bộ phim không lôi cuốn và khó nắm bắt.
Vẽ
ra mối liên kết chặt chẽ với thông tin là thế, Cronenberg ngay lập tức
bẻ gẫy nó với một cú thua đau của Eric trên thị trường. Thế giới Eric
tưởng nắm trong tầm tay đã vuột mất, anh đi dần vào hành trình tự
hủy hoại bản thân: tự tay giết người vệ sỹ, đi tay không vào khu vực
nguy hiểm. . . Ở đây một câu hỏi khác đặt ra: “Vậy cuộc sống, nếu
không dựa trên những thông tin phát tài, thì là gì?” Và đây là lý do Eric
lao vào căn hộ của Benno Levin (Paul Giamatti). Anh chọn đối mặt với kẻ
mưu sát mình để nắm bắt những “thông tin” giá trị hơn: về nỗi đau,
cuộc sống cũng như cái chết. Có phần mở đầu khô khan bao nhiêu, thì
đến đoạn kết, Cronenberg đã cho Cosmopolis những hình ảnh chân
thực đầy cảm xúc với ý nghĩa nhân đạo hơn hết.
Bộ
phim có thể gây tranh cãi trong cách tiếp cận vấn đề của Cronenberg,
nhưng không thể phủ nhận đạo diễn này đã có những thử nghiệm táo
bạo, đặc biệt là trong cách xây dựng nhân vật. Cosmopolis là bộ phim
đầu tiên trong lịch sử có nhân vật chính xuất hiện trong tất cả các
khung hình từ đầu đến cuối phim. Cronenberg đã chọn cách lấy nhân vật
làm trung tâm của mọi vấn đề, chứ không hề đi theo khuôn mẫu “sự kiện
hé lộ nhân vật” như tiêu chuẩn viết kịch bản thường đề ra. Và dĩ
nhiên nhân vật chàng triệu phú Eric Packer đầy khác biệt là một thành
quả không nhỏ của Robert Pattinson. Với lối diễn không hề dao động, anh
đã nắm bắt được nhân vật và chiều hướng phim rất chuẩn xác. Cosmopolis
có thể không phải là một phim các “Twi-hard” mong đợi, nhưng đây đáng
được coi là một cột mốc trong sự nghiệp ngôi sao trẻ này. Tuy nhiên,
để bộc lộ hoàn toàn tài diễn xuất của mình, có lẽ Pattinson vẫn
cần một phim theo chiều hướng Remember Me (Allen Coulter, 2010)
với một nhân vật có chiều sâu tâm lý hơn. Dù sao đi nữa, sau tác phẩm
này, chắc chắn các chuyên gia sẽ hướng tới cái tên Robert Pattinson
với ánh nhìn khác.
Với
lối trình bày thẳng thắn đến trơ trọi cảm xúc, Cosmopolis như một bài
nghiên cứu theo phương pháp Siêu Hình (Metaphysics),
nhánh triết học phương Tây quan tâm đến việc tìm hiểu bản chất thế
giới và vạn vật, và ở đây là bản chất của thông tin đối với nhân
loại. Đây xứng đáng là một bộ phim triết (film as philosophy) đáng nói sau The Tree of Life
(Terrence Malick) và Melancholia (Lars von Trier) năm
ngoái. Một bước nữa rời xa phong cách quen thuộc của mình, David
Cronenberg cho thấy ông vẫn đang thách thức bản thân và cả giới yêu
điện ảnh qua những phá cách không ngừng.