(Từ Internet) Oscar 2010

Năm 2008, bạo lực dữ dội trong “No Country for Old Men” được tôn vinh ở mùa giải Oscar lần thứ 80, bởi nó đặt lại một vấn đề cơ bản của loài người: cái thiện và cái ác. Năm 2009, câu chuyện cổ tích thời hiện đại về cuộc sống của những kẻ dưới đáy xã hội Ấn Độ trong “Slumdog Millionnaire” giành vinh quang cao nhất của mùa giải Oscar lần thứ 81, bởi nó đem đến cho người ta sự hi vọng. Sự hoài nghi và bi quan khi cái ác lấn lướt trong “No Country for Old Men” hay sự lạc quan và hi vọng (hơi thái quá) khi những kẻ dưới đáy tìm thấy cổ tích giữa đời thường trong “Slumdog Millionnaire” đã giành 2 giải Phim hay nhất của 2 mùa giải gần đây nhất.
Vậy còn Oscar 2010?

Từ thế giới giả tưởng

“Avatar” gây choáng ngợp bởi nó vẽ ra một thế giới kỳ ảo chưa từng có trên màn bạc nhưng không đơn giản chỉ là một bộ phim làm “lóa mắt” thiên hạ với 2,5 tỷ USD thu về trên toàn thế giới. “Avatar” không chinh phục khán giả đại chúng và giới hàn lâm như thế nếu câu chuyện của nó không mang một tầm vóc thời đại, những ẩn dụ về thế giới chúng ta đang sống và thậm chí là cả những dự báo về số phận của con người trong tương lai.
Cuộc tấn công của quân đội Mỹ dưới sự dẫn dắt của viên đại tá Miles Quaritch lên hành tinh Pandora yên bình của người Na’vi thể hiện sự tham vọng khôn cùng của loài người. Dưới danh nghĩa dối trá đi tìm nguồn năng lượng cho loài người trong tương lai, cuộc chiến này cũng như bao cuộc chiến khác trong lịch sử loài người khi những đế quốc hùng mạnh xâm chiếm các đất nước nhỏ bé nghèo đói để vơ vét khoáng sản, giết hại người vô tội, bóc lột nhân công. Những cuộc chiến tranh kéo dài liên miên từ 2 thế kỷ nay và kể cả trước Công nguyên hầu hết đều bắt nguồn từ lòng tham vô đáy và sự ngạo mạn của con người. Hành tinh kỳ ảo Pandora của người Na’vi phải chăng là sự hoài nhớ về trái đất thời buổi sơ khai của loài người, nơi tràn ngập màu xanh của những cánh rừng nhiệt đới đại ngàn, nơi con người sống với nhau thành những cộng đồng với các tín ngưỡng tôn giáo, lòng tin tuyệt đối vào đức mẹ vĩnh hằng. Nơi con người và thiên nhiên (cây cỏ, muông thú) gắn kết vào nhau. Nơi Cây Linh Hồn là biểu tượng cho lòng tin, sự thống nhất vạn vật trong thế giới. Và mỗi khi bị các thế lực từ bên ngoài tấn công vào lòng tin của họ, phá vỡ sự kết nối đó, những người Na’vi phải đứng lên để đánh trả để đòi lại sự bình yên vĩnh hằng cho thế giới họ đang sống. Chỉ có loài người tham vọng nhận được một bài học đích đáng, trở về trong sự nhục nhã ê chề khi những thứ vũ khí tối tân, những loại bom hủy diệt không hủy diệt được thế giới họ xâm chiếm mà hủy diệt chính sự ngạo mạn của chính họ…
“District 9” lại là một sự “tố cáo” khác về loài người văn minh, nơi đầy rẫy sự kì thị, phân biệt chủng tộc, nơi sự khác biệt không được chấp nhận, nơi sự vô cảm giết chết tình thương. Khi con tàu của người ngoài hành tinh hết nhiên liệu và buộc phải nằm lại ở Johannesburg, những người ngoài hành tinh có nhân dáng kì dị như những “con tôm” khổng lồ này bị đẩy vào một khu trại biệt lập có tên là “Quận 9”. Họ bị loài người đối xử như những kẻ gớm ghiếc và chịu sự quản thúc của con người. Loài người luôn cho mình là kẻ đứng ở trên, luôn có quyền phán xét. Loài người cũng không có sự thông cảm và chia sẻ đối với những kẻ gặp nạn, nhất là những kẻ gặp nạn đó không hề có tham vọng xâm chiếm trái đất. Ngược lại, họ còn tham vọng đánh cắp nguồn năng lượng đặc biệt của người ngoài hành tinh để phục vụ cho những mưu đồ của mình.
Và đáp lại? Trong “Avatar”, nàng công chúa Neytiri đã đón nhận chàng sĩ quan lục chiến Jake Sully và giúp anh gia nhập vào cộng đồng của cô khi cô nhận thấy tấm lòng thành của Jake. Trong “District 9”, viên cảnh sát Wikus khi bị nhiễm một thứ virus và biến thành một dạng nửa người, nửa người ngoài hành tinh và bị chính cộng đồng của mình săn đuổi, những người ngoài hành tinh lại chính cưu mang và bảo vệ anh…
Hai bộ phim khoa học giả tưởng, hai câu chuyện khá tương đồng khi cùng đặt loài người trong thế đối sánh với người ngoài hành tinh đều vang lên những tiếng thở buồn về thế giới chúng ta đang sống. Thế giới đang mất dần màu xanh, đang mất dần tình yêu thương, sự chia sẻ. Thế giới của những kẻ bá quyền với tham vọng và sự ngạo mạn không cùng. Thế giới không còn hi vọng.

Đến thế giới chúng ta đang sống
Đó là một thế giới đầy nghiệt ngã trong “The Hurt Locker”. Thế giới của những trò “mèo vờn chuột” trong chiến tranh, thế giới của những “trò chơi bấm nút hẹn giờ”, thế giới của địa ngục trên mặt đất. Nếu “Avatar” ít ra còn đem đến cho người ta niềm hi vọng khi cái thiện chiến thắng cái ác, khi cái đẹp và lòng tin được bảo tồn thì “The Hurt Locker” trả người xem trở về thực tế vô cảm, không hy vọng cũng chẳng thất vọng. Chỉ có chiến tranh liên miên, lòng thù hận liên miên kéo con người vào những cơn nghiện chiến tranh. Ba người lính tháo bom mìn giữa chiến trường Baghdad, Iraq vật lộn với những bộ đồ bảo hộ nóng nực, những chiếc kìm cắt dây bom và cả nỗi sợ có thể chết bất cứ lúc nào. Còn những người dân Iraq thì trở thành những nạn nhân vô tội, những kẻ cảm tử đánh bom liều chết và cả những đứa trẻ cũng bị biến thành thủ phạm - nạn nhân của chiến tranh. Ở chiến trường Iraq, đến cả một con mèo cũng trở thành nạn nhân của cuộc chiến!
“Precious” lại là một bi kịch của những thân phận dưới đáy trong xã hội Mỹ ngày nay. Không có câu chuyện cổ tích màu hồng nào như trong “Slumdog Millionnaire”, cuộc sống của cô gái da màu béo ú và xấu ví Claireece “Precious” Jones thực sự là cuộc sống của một “slumdog” đúng nghĩa. Cô lớn lên ở khu Harlem nghèo nàn và bạo lực, cô quá cân và xấu xí, cô thất học, cô bị mẹ ruột chửi bới và đối xử tàn tệ, bị bố ruột hiếp dâm và mang thai đến 2 lần. Đời cô có gì? Nghèo nàn, mù chữ, tuyệt vọng, giận dữ và rồi cũng như bao số phận khác của người da màu ở khu Harlem - bị lãng quên. Không có một chút hi vọng cũng chẳng có một câu chuyện cổ tích đời thường, đạo diễn da màu Lee Daniels đã trả nhân vật về đúng nguyên vẹn với thực tại của nó. Bởi vẫn còn rất nhiều những “Precious” ở khắp nơi trên thế giới này và ở ngay nước Mỹ. Bộ phim, vì vậy, không có một sự cứu rỗi nào cả!
Nữ diễn viên trẻ Gabourey Sidibe là một “phiên bản” của Precious ngoài đời. Cô đã hóa thân trọn vẹn vào nhân vật và được đề cử Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc dù mới lần đầu đóng phim, bởi cô không xa lạ gì với những nhân vật dạng này. “Tôi nhìn thấy cô ấy trong gia đình tôi, trong bạn bè tôi, trong khu phố tôi ở, trong những nơi tôi qua mỗi ngày” - Gabourey nói vậy về nhân vật Precious…
“Up in the Air” là một đối lập của “Precious”. Đó là cuộc sống của những người da trắng thượng đẳng, cuộc sống tự do thành đạt của Ryan Binghan, một anh chàng bay ở trên trời nhiều hơn ở dưới đất, với một nhiệm vụ mà anh ta được giao: đuổi việc những người mà các công ty muốn sa thải trong thời buổi khủng hoảng. Bởi thế mà anh ta vô cảm. Triết lý của anh ta là: cái ba lô rỗng. “Các mối quan hệ xã hội là những thứ đồ chất vào chiếc ba lô mà chúng ta đeo sau lưng”. Anh ta chọn cuộc sống với một chiếc ba lô rỗng trên lưng. Không gắn kết với người thân, bạn tình chỉ giải quyết nhu cầu và giải trí, Ryan tự do bay nhảy như chim. Nhưng cái triết lý sống chắc chắn tưởng như tảng đá đó của anh ta cuối cùng lại bị lung lay bởi một cô thực tập sinh, một cô gái trẻ đầy hoài bão và nhiệt huyết. Tất nhiên, mọi thay đổi với gã đàn ông độc thân tuổi trung niên này không hề dễ dàng một chút nào…

Và những “niềm hi vọng nhỏ”
Oscar tất nhiên phải nghiêng về phe “nước mắt”, dĩ nhiên sẽ đồng cảm với những thông điệp thời đại hay những đột phá mang tính bước ngoặt trong nghệ thuật thứ bảy. Vì vậy những ứng cử viên nặng kí nhất của mùa giải năm nay tất nhiên là “Avatar”, “The Hurt Locker”, “Precious” hay “Up in the Air”. Tuy nhiên vì mùa giải Oscar năm nay có đến 10 phim tranh giải “Best Picture” nên có thêm những lựa chọn thú vị cho khán giả. 5777 vị thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học và Điện ảnh Hoa Kỳ chỉ bỏ phiếu để chọn ra một bộ phim hay nhất, nhưng với khán giả, chúng ta có thể xem cả 10 phim để có sự so sánh, hay đơn giản, chỉ để thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hay nhất của một năm được tuyển chọn có trọng lượng.
“Inglourious Basterds” của Quentin Tarantino với những chiêu trò giễu nhại đầy thông minh và hài hước. “An Education”, trải nghiệm cá nhân của một cô học trò mới lớn khi bước vào thế giới thượng lưu, là một điển hình của điện ảnh Anh với chất “Ănglê” khó trộn lẫn , với sự châm biếm nhẹ nhàng nhưng vẫn không mất đi cảm xúc, nhất là nó được chỉ đạo bởi một đạo diễn nữ và diễn xuất đặc biệt thành công của nữ diễn viên trẻ Carey Mulligan. “Up” là một bộ phim hoạt hình, nó thật hay và đột phá trong 10 phút đầu, nhưng sau đó trả về cho khán giả nhỏ tuổi với một câu chuyện phiêu lưu đúng motif.
“The Blind Side” dù không thật xuất sắc và cách kể chuyện hơi cũ, nhưng nó nhân văn, nhất là khi bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật. Nó đối lập hoàn toàn với “Precious” bởi nó cho người ta thấy tình yêu thương giữa đồng loại, giữa người giàu da trắng với người nghèo da đen. Và nó giúp người ta biết hi vọng, biết tin vào sức mạnh của chính mình, dù bạn ở trong hoàn cảnh nào.


Dự đoán của TTVH & Đàn Ông về những giải chính của Oscar lần thứ 82 : 

1. Phim hay nhất: “Avatar”
2. Đạo diễn: Kathryn Bigelow (The Hurt Locker)
3. Nam diễn viên chính: Jeff Bridges (Crazy Heart)
4. Nữ diễn viên chính: Meryl Streep (Julie & Julia)
5. Nam diễn viên phụ: Christoph Waltz (Inglourious Basterds)
6. Nữ diễn viên phụ: Mo’Nique (Precious)
7. Kịch bản gốc: “The Hurt Locker” (Mark Boal)
8. Kịch bản chuyển thể: “Up in the Air” (Jason Reitman, Sheldon Turner)
9. Phim hoạt hình: “Up”
10. Phim nước ngoài: “The White Ribbon” (Đức)

Doanh thu (Toàn cầu) của 10 phim được đề cử Oscar Phim hay nhất (tính đến 28.2.2010)

1. “Avatar”: 2,5 tỷ USD
2. “Up”: 723 triệu USD
3. “Inglourious Basterds”: 314 triệu USD
4. “The Blind Side”: 250 triệu USD
5. “District 9”: 205 triệu USD
6. “Up in the Air”: 130 triệu USD
7. “Precious”: 52 triệu USD
8. “A Serious Man”: 22 triệu USD
9. “The Hurt Locker”: 19 triệu USD
10. “An Education”: 16 triệu USD